được hỏi là thể xác [của Nagasena] có phải là Nagasena không, tại sao
Nagasena vội vã trả lời là không phải?
Khi ai đó trình bày một vấn đề như thể khá hiển nhiên nhưng xem ra
không hiển nhiên chút nào đối với bạn, thì chiến thuật thích hợp là tìm kiếm
điều gì đó không được nói ra nằm ở phía sau. Có thể họ giả định rằng một
bản ngã, một người, thì phải là một cái gì đó khá thuần nhất và cao quý - hãy
lưu ý sự mô tả tỉ mỉ rất gây khó chịu về thể xác mà nhà vua dùng để khơi
mào câu hỏi của mình. Hoặc rằng một bản ngã phải là một sự thể thường
hằng, không thay đổi, hoàn toàn không giống như một thể xác, thậm chí có
thể tồn tại sau cái chết. Tất cả những giả định trên có thể đã đến từ những
quan niệm trước đó về triết lí/ tôn giáo - hãy trở lại đó trong chốc lát. Hoặc
có thể đến từ một ý tưởng như sau: vật chất không tự nó di chuyển (hãy để
một khối vật chất nằm ườn đâu đó và xem nó có di chuyển chút nào không),
trong khi con vật thì di chuyển - vậy phải có cái gì đó phi vật chất trong nó
đã làm di chuyển phần vật chất của nó. Hoặc: thậm chí nếu vật chất có di
chuyển, thì đó không phải là những vận động được phối hợp mạch lạc, được
hướng dẫn, và thông minh - vậy một thể xác cần cái gì đó hướng dẫn nó.
Những ý tưởng trên là rất phổ biến và xuất hiện từ lâu trước khi tập
Questions of King Milinda được viết ra. Hãy nhớ tới tầm quan trọng mà
Socrates gán cho sự tốt đẹp của linh hồn trong tập Crito; và hãy đọc tiếp tập
Phaedo của Plato - là tập bổ sung cho tập Crito, nói về cuộc tranh luận cuối
cùng của Socrates và về cái chết của ông. ‘Hãy dừng lại đó một lát’, bạn sẽ
nói thế, ‘đó là Hi Lạp, trong khi đây là Ấn Độ’. Đúng vậy, nhưng có rất
nhiều ý tưởng tương tự được tìm thấy (thậm chí còn trước nữa) trong những
tác phẩm Bà la môn vốn thiêng liêng đối với Ấn giáo. Đồng ý rằng Phật giáo
hoàn toàn có ý thức trong việc tách khỏi truyền thống Bà la môn. Nhưng
những điểm chính yếu gây tranh cãi là việc súc vật bị hiến tế và hệ thống
đẳng cấp xã hội theo kế thừa (mà Phật giáo bác bỏ cùng với những dạng cực
đoán của lối tu khổ hạnh), còn thì rất nhiều điểm của truyền thống đó vẫn
được giữ lại và làm nền tảng cho Phật giáo. Ý tưởng về vòng luân hồi của
những kiếp lai sinh đau khổ, và niềm hi vọng thoát khỏi vòng luân hồi đó để