Hình 6. và 7. Hình chiếc xe ngựa hai bánh. Trong một cảnh nổi tiếng của bộ sử thi đồ sộ Ấn
Độ, bộ Mahabharata, chiến binh Arjuna có được thần Krishna là người đánh xe cho anh - và
cũng là người dẫn dắt anh về mặt tinh thần, chứ không chỉ là người đánh xe! Trong truyền
thống Hi Lạp, người hùng Hercules cầm dây cương, có nữ thần Athena giám sát.
Plato đã rất nổi tiếng khi so sánh bản ngã với chiếc xe ngựa. Trước đó
rất lâu, trong truyền thống Ấn Độ, bộ Katha Upanishad đã nêu ra so sánh đó
(xem Thư mục). Giờ đây, phải chăng tới lượt Nagasena? Không hẳn vậy.
Dường như tác giả ám chỉ tới truyền thống đó chỉ để nhấn mạnh rằng mình
đã khước từ nó. Trong tác phẩm của Plato, chúng ta đọc thấy người đánh xe
cố gắng điều khiển một con ngựa biết vâng lời (lí trí) và con ngựa kia thì bất
tuân (những ham muốn); bộ Katha Upanishad so sánh bản ngã với người
ngồi trong xe ngựa, và so sánh trí tuệ với người đánh xe điều khiển những
cảm quan, là những con ngựa. Nagasena không đề cập đến những con ngựa.
Điều quan trọng hơn, là ông cũng chẳng đề cập đến người đánh xe, huống
hồ là tới người ngồi trong xe, phân biệt hẳn hoi với người đánh xe. Đó chính
là hình ảnh mà ông chống lại. Không hề có một sự hiện diện thường hằng, là
cái bản ngã, dù là điều khiển hoặc giám sát. Tác giả này, khi dùng lối so
sánh vốn được tôn kính về chiếc xe ngựa, đã hiểu khác đi, đồng thời đưa ra
quan điểm riêng của mình, chỉ ra cho cộng đồng văn hóa của ông thấy rằng
ông khước bác điều gì.