tính toàn vẹn như một giá trị là ý niệm về cuộc sống được sống trải xét như
một tổng thể hơn là một chuỗi những giai đoạn rời rạc thiếu sự kết nối giữa
chúng. Như thế nó bao gồm sự gắn bó kiên định với những nguyên tắc, và
với những quan niệm trừ phi có những lí do hoặc bằng cứ mới xuất hiện.
Cũng liên quan với nó (và cũng áp dụng được trong trường hợp Socrates),
nó còn bao hàm giá trị của sự theo đuổi nhất quán những kế hoạch chọn lựa
nhằm mang lại mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống của con người. Và nó
cũng có thể được xem như loại trừ sự tự lừa phỉnh và đạo đức giả, là những
trạng thái trong đó con người bằng cách này hay cách khác đã xung đột với
chính họ.
Vậy lí tưởng về sự toàn vẹn có thể khớp hợp với thuyết vị lợi của Mill
một cách chặt chẽ tới đâu? Không được chặt chẽ cho lắm, một số người nghĩ
vậy. Bởi lẽ cho dù bạn chân thành tới đâu chăng nữa trong sự ràng buộc với
một nguyên tắc nào đó trong quá khứ, thì sự kiện đó trong tự thân nó không
cung cấp cho bạn bất kì lí do nào để lại tuân thủ nguyên tắc đó vào lúc này -
nếu chúng ta chấp nhận quan điểm của Mill một cách nghiêm túc và theo
đúng nghĩa. Nếu trong quá khứ sự ràng buộc của bạn với nguyên tắc đó bao
giờ cũng dẫn tới những hệ quả tốt (được đánh giá theo chuẩn hạnh phúc), thì
sự kiện đó cung cấp cho bạn ít nhất một lí do nào đó để nghĩ rằng sự việc
cũng sẽ lại được như vậy - chính là một lí do để vẫn tuân theo nguyên tắc đó
vào lúc này. Nhưng sự ràng buộc của bạn với nó, dù chân thành tới đâu, dù
tới mức đã trở thành một phần của nhân cách của bạn, sự ràng buộc đó
không phải là một lí do. Những người phê phán Thuyết vị lợi đưa ra vấn đề
liệu chúng ta có thể thực sự sống đúng theo cách suy nghĩ như vậy hay
không.
Có thể bạn muốn biết liệu những người theo Thuyết vị lợi có thể chống
đỡ sự phê phán như vậy hay không. Nếu họ không thể, sự việc sẽ tồi tệ
không chỉ với họ mà còn với hầu hết những kiểu loại khác của thuyết căn cứ
vào hệ quả. Bởi lẽ trong đoạn cuối việc suy nghĩ về những hậu quả lấy hạnh
phúc làm chuẩn mực thì không phải là điều quan trọng; tôi có thể thay khái
niệm ‘hạnh phúc’ bằng bất kì điều gì khác mà không ảnh hưởng tới luận cứ.