không phải là một cô gái chỉ thuần là do vật chất hình thành - dù nếu những
nhà duy vật về mặt triết học đã đúng khi nói rằng chỉ vật chất là tất cả những
gì từ đó cô ta được hình thành, và cái thế giới vật chất trong đó cô ta sống
cũng thế. Nhưng ‘chủ nghĩa duy vật’ trong cuộc sống thường nhật mà một
số người ca thán và một số khác lại vui hưởng nó thì không phải hoàn toàn
không liên quan tới thứ chủ nghĩa duy vật của những triết gia. Cô gái quá
thiên về vật chất Madonna có được những lạc thú của cô ta phần lớn từ
những đối tượng vật chất - sở hữu chúng và tiêu thụ chúng - hơn là những
lạc thú của tâm trí. Chủ nghĩa duy vật trong cuộc sống thường nhật là sự gắn
bó với những gì là vật chất - ở đây hiểu theo nghĩa của những triết gia - đối
nghịch với những gì là tinh thần hoặc trí tuệ. Triết lí của Marx sở dĩ được
gọi là duy vật biện chứng, không phải vì ông ta cho rằng không có gì khác
ngoài vật chất, mà vì ông ta cho rằng những nguyên nhân nền tảng quan
trọng nhất trong cuộc sống con người là những nguyên nhân vật chất: những
sự kiện kinh tế về cách mà xã hội sản xuất ra những của cải vật chất (‘Biện
chứng’ là gì, là vấn đề chúng ta sẽ xem xét trong Chương 7 khi bàn về
Hegel, dưới đây, trang 130 và các trang tiếp theo).
Chủ nghĩa duy tâm cũng là một thuật ngữ có một nghĩa dùng trong đời
thường và một nghĩa chuyên ngành. Trong nghĩa chuyên ngành nó được
dùng để chỉ những quan điểm khước bác sự hiện hữu của vật chất và cho
rằng mọi sự thể đều là tâm trí hoặc tinh thần, như quan điểm của giám mục
Ireland George Berkeley, người mà chúng ta đã nói đến trên đây. Người nào
nói với chúng ta như vậy, tốt hơn là người đó nên giải thích ngay sau đó,
rằng phải nói thế nào về những sự vật như bàn ghế và núi non mà chúng ta
va phải hay ngã từ trên núi xuống. Khi nghe được rằng luận cứ của Berkeley
là không thể khước bác, Tiến sĩ Johnson, một người nổi tiếng trong giới văn
học, được cho là đã đáp lại như sau: ‘Tôi khước từ ông ấy như thế này này’,
và ông đã đá đi một viên đá. Nhưng khước từ luận cứ Berkeley không phải
là điều dễ dàng (Tôi dùng từ ‘khước từ’ để nói là có nghĩa phải chỉ ra được
rằng điều gì đó là sai, chứ không chỉ nói rằng nó thì sai - nói thì rất dễ và ai
cũng nói được, đặc biệt là với người như tiến sĩ Johnson, người hiếm khi
không bày tỏ ý kiến hoặc một cách diễn đạt ý kiến rất đáng ghi nhớ).