dù rằng, bạn sẽ không ngạc nhiên khi nghe tôi nói, tôi cũng chẳng tin vào
luận cứ Berkeley.
Một số hệ thống triết học (như của Hegel) được coi là duy tâm không
phải vì chúng phủ nhận sự hiện hữu của chính vật chất mà vì chúng xem nó
là phụ thuộc vào tâm trí hoặc tinh thần, là cái thực sự quyết định tính chất
của thực tại và ban bố mục đích cho thực tại. Cách hiểu này về ‘chủ nghĩa
duy tâm’ giống với cách hiểu về ‘chủ nghĩa duy vật’ mà chúng ta đã lưu ý
trên đây, khi ứng dụng vào triết học của Karl Marx. Nhưng khi dùng trong
cuộc sống thường nhật, thì không còn sự giống nhau đó nữa giữa khái niệm
duy tâm với ‘chủ nghĩa duy vật’. Sự quan tâm của một người quá thiên về
vật chất (materialist) là gắn với những của cải vật chất ngược với những giá
trị tâm trí, tinh thần hoặc tri thức; trong khi một người theo chủ nghĩa lí
tưởng (idealist) không phải là người luôn chú tâm tới những thứ nói sau thay
vì những thứ nói trước trên đây, mà là người hiến mình cho những lí tưởng.
Và những lí tưởng chủ yếu là những sự thể trong tâm trí, vì chúng là những
ý nghĩ của những tình huống, thực ra không có trong thực tại, mà là những
gì chúng ta có thể nỗ lực để tiếp cận càng gần gũi càng tốt, trong chừng mực
mà những điều kiện của cuộc sống cho phép. Tính chất tinh thần của những
lí tưởng đã tạo ra sự nối kết giữa cách dùng thường ngày và cách dùng
chuyên ngành của thuật ngữ ‘chủ nghĩa duy tâm’.
Hai loại ‘chủ nghĩa’ nữa mà người ta thường nghe nói tới, và có
khuynh hướng xuất hiện cùng nhau như một cặp của hai thể được cho là đối
nghịch nhau, đó là ‘chủ nghĩa duy nghiệm’ (empiricism) và ‘chủ nghĩa duy
lí’ (rationalism). Trong khi ‘chủ nghĩa nhị nguyên’, ‘chủ nghĩa duy vật’, và
‘chủ nghĩa duy tâm’ thuộc về siêu hình học (thực tại là loại sự thể nào?), thì
cặp này hoàn toàn thuộc về nhận thức luận (chúng ta biết được bằng cách
nào?).