sao chúng ta có thể trông chờ rằng lí trí chúng ta, ngay cả khi chỉ vận dụng
trên chính nó, độc lập với tri giác, vẫn hòa nhập được với thế giới. Chủ thể
suy luận và đối tượng của nó chia sẻ cùng một cơ cấu, là cơ cấu của Ý niệm.
Ba thí dụ trên đây chỉ ra cho chúng ta thấy rằng sự đối nghịch giữa chủ
nghĩa duy nghiệm và chủ nghĩa duy lí không phải là một cuộc đụng độ nhỏ.
Những người bắt đầu bằng việc đứng ở hai phía đối nghịch nhau, tới điểm
này sẽ thuộc về hai thế giới tách biệt nhau, ấy là nói về mặt siêu hình.
Nhưng không phải là tôi có ý ám chỉ rằng chỉ có chủ nghĩa duy lí phải
đương đầu với những khó khăn còn chủ nghĩa duy nghiệm thì không có vấn
đề. Không phải vậy, như chúng ta sẽ sớm nhận ra.
Một ‘chủ nghĩa’ khác cũng hay được nói tới, là chủ nghĩa hoài nghi
(scepticism). Tất nhiên người ta có thể hoài nghi về những sự việc cụ thể
như về tính trung thực của Ủy ban Olympic, về sự hiện hữu của những vật
thể bay không được xác định, hoặc về hiệu quả của chế độ dinh dưỡng ít
chất béo, nhưng khi ‘chủ nghĩa hoài nghi’ xuất hiện trong những văn bản
triết lí nó thường ám chỉ điều khái quát hơn: sự khước bác hàng loạt rất
nhiều những khẳng định về tri thức, hoặc những nghi hoặc về rất nhiều niềm
tin. Tất nhiên không phải chỉ là vấn đề số lượng. Bất kì chủ nghĩa hoài nghi
nào xứng đáng để có chỗ trong sử sách phải nhắm tới những niềm tin thực
sự được củng cố, và được coi là quan trọng - nã đạn pháo vào sa mạc thì đâu
có được tưởng thưởng.
Điều trên có nghĩa là có rất nhiều ý tưởng đã từng là hoài nghi vào thời
của chúng, nhưng nay được lí giải khác đi. Một thí dụ thuyết phục hẳn là tập
Quod Nihil Scitur (‘That Nothing is Known’(Chẳng thể biết được bất kì điều
gì)), của triết gia/thầy thuốc người Bồ Đào Nha tên là Francisco Sanchez
(1551-1623). Thật khó để tìm được một tựa sách nào đọc lên lại có vẻ hoài
nghi hơn thế, nhưng những gì theo sau nó đối với chúng ta xem ra không có
tính hoài nghi nhiều tới mức như cuộc công kích dữ dội vào trường phái
Aristotle, thịnh hành vào thời đó, nhưng đã bị ngờ vực từ rất lâu rồi. Khi
những nhà hoài nghi thành công thì họ thôi không còn giống như những nhà
hoài nghi nữa; họ giống như những nhà phê phán đã tỏ ra là đúng.