Tuy nhiên chỉ là đúng cho lúc này mà thôi. Hãy nhớ rằng điều kì lạ từ
đó chúng ta bắt đầu, tức cái Ý niệm, thì kéo theo sự triển khai, hiểu theo
nghĩa bóng. Bất kì điều gì hiện hữu hoặc xảy ra đều phản ánh cái Ý niệm, và
điều đó tất nhiên gồm luôn lịch sử, vốn biểu đạt sự ‘triển khai’ của Ý niệm,
giờ được hiểu theo nghĩa đen. Ý niệm, như bạn sẽ nhận thấy nếu bạn từng
đọc bộ Logic của Hegel (nhưng hãy cảnh giác, đó là một tác phẩm cực kì
khó đọc), bao giờ cũng triển khai thông qua sự mâu thuẫn của những khái
niệm đối lập, theo sau sẽ là sự giải quyết mâu thuẫn đó, sự giải quyết này tự
thân nó hóa ra lại ấp ủ một sự chống đối khác, trên đó một sự giải quyết tiếp
theo sẽ được thực hiện, và cứ thế cho tới khi toàn bộ hệ thống được hoàn
chỉnh. Do đó, cũng là như vậy, trong thế giới chính trị. Mâu thuẫn làm nảy
sinh trật tự mới, nhưng ngay lập tức trật tự mới chính nó bộc lộ những vấn
đề; những mầm mống của mâu thuẫn kế tiếp đã hiện diện sẵn trong nó, và
một khi chúng chín muồi, tới lượt nó, nó sẽ bị cuốn trôi. Bạn có thể thấy nền
siêu hình học mà Hegel dùng để củng cố tất cả những điều trên là thái quá,
vô định, và mơ hồ, nhưng khi ông ứng dụng nó vào lịch sử loài người thì kết
quả chắc chắn là không ngớ ngẩn như vậy. Đó là ý niệm về sự tiến bộ nảy
sinh từ mâu thuẫn được biết dưới tên gọi ‘biện chứng’. Nó dàn trải khắp tư
duy của Hegel, cũng như của Marx, đó là lí do tại sao triết lí Marx thường
được gọi là ‘duy vật biện chứng’ (xem bên trên, trang 102, và bên dưới,
trang 176).