Nietzsche thường nói tới: Tất cả chư thần và chúng sinh đều sinh
hoạt trong Dionysos và cùng theo một nhịp sống với Dionysos,
cho nên Dionysos được coi là sức sống mãnh liệt bất chấp thiện
và ác, vì là sức sống chưa tự ý thức về mình, đồng thời các
người trong ca đoàn (choeur) cũng không chú ý đến cá tính của
mình, nhưng mỗi người đều tưởng mình là thần Dionysos, cho
nên mỗi người cứ theo lời ca mà sống trong thân xác mình tất cả
những gì bản trường ca gợi lại về cuộc đời thần Dionysos. Đó là
một sự thực sống động, khác hẳn sự thực bị khách thể hóa sau
này. Có thể coi đó là hiện sinh chưa bị trừu tượng bởi những
quan niệm và những ngôn từ khái quát. Và đó chính là lý tưởng
của nghệ thuật đối với Nietzsche. Ông đã mô tả nghệ thuật kết
tinh của hai tinh thần Apollon và Dionysos đó như sau: Ca đoàn
có nhiệm vụ kích thích tâm trí người nghe đến mức mê sảng như
thần Dionysos, đến nỗi khi thần xuất hiện trên sân khấu, cử tọa
không còn trông thấy một người đeo bộ mặt của thần nữa, nhưng
họ thấy chính thần hiện ra trong tình trạng xuất thần của họ (leur
propre extase). Chẳng hạn khi diễn lại tích chàng Homère đang
sầu khổ ngồi ôm xác người vợ trẻ vừa tắt thở, tất cả ca đoàn và
cử tọa cùng chìm sâu trong than khóc và sầu thương: Thình lình
hiện ra trên sân khấu một người phụ nữ, đầu trùm tấm lúp (voile),
hình dáng và cử chỉ in hệt người vợ đẹp vừa tắt thở. Chúng ta
khó mà tưởng tượng được nỗi cảm xúc và sự bối rối của chàng,
cũng là nỗi cảm xúc và sự bối rối của toàn thể cử tọa khi thấy
thần Dionysos hiện ra trên sân khấu, giữa lúc lòng mọi người đã
bị xúc động đến mức xuất thần. Xem như thế, trong nghệ thuật bi
kịch nguyên thủy, có hai tính chất đối chọi nhau: Một bên là màu
sắc, lời ca, cử chỉ và âm nhạc tạo thành chất say mê Dionysos,
và một bên là thế giới tưởng tượng của sân khấu, tức thế giới
diễn tả của Apollon”.