“con người lê dân” (homme vulgaire) và “người quê mùa”
(roturier). Hơn nữa Nietzsche còn coi triết Socrate là một phản
động của bọn phàm dân dùng phương pháp lê dân để thuyết
phục người quý phái. Hình như Nietzsche muốn cho rằng Socrate
bất lực không thực sự có những đức tính cao quý của người Hy
Lạp, nên mới chủ trương lấy quan niệm làm chính sự và lấy quan
niệm làm giá trị cao nhất: Socrate đã phản động khi ông ta dạy
người đời lấy lý luận làm đường đưa tới đức người quân tử.
Nhưng từ ngày ông ta dạy rằng chúng ta có thể chứng minh được
nhân đức, nghĩa là nhân đức thuộc lãnh vực lý trí, thì tất cả
những nhân đức quảng đại và vĩ đại của người xưa (tức những
bản năng sống mạnh và sống hùng cường của người Hy Lạp xưa
kia) nay bị coi khinh. Do đó mà suy đồi....
Như thế Nietzsche đã đi xa hơn Kierkegaard trong công việc
diệt trừ những tệ đoan của thuyết duy niệm. Đối với Kierkegaard
thì duy niệm là Hégel; đối với Nietzsche, thì duy niệm là cả một
truyền thống Tây phương, truyền thống đi tự Parménide và nhất
là tự Socrate và Platon xuống cho tới Kant và Hégel. Trong khi
Kierkegaard còn tôn trọng Socrate và phương pháp triết lý của
Socrate tức là biện chứng pháp, và chính Kierkegaard là một nhà
biện chứng đại tài thì Nietzsche quyết định đoạn tuyệt với
phương pháp triết lý cổ truyền đó. Theo Nietzsche, không thể có
chân lý trừu tượng, không thể có sự nhận thức tuyệt đối, sự nhận
thức không của ai hết và không do một quan điểm nhất định nào
hết. Trừu tượng là tri thức tuyệt đối, một thứ tri thức hình thức, tri
thức bắt buộc trăm người cùng có một quan điểm như nhau: Đó
chỉ là tri thức người ta chấp nhận cách thụ động, không dám mở
mắt của mình để nhìn nhận. Đó là một thứ tri thức do người khác
dạy và ta chấp nhận mà không xem lại. Nietzsche tranh đấu cho
một thứ tri thức mới: Tri thức cụ thể. Và tri thức cụ thể thì linh