nhận định có hai nền luân lý khác hẳn nhau: Luân lý chủ ông và
luân lý nô lệ. Luân lý chủ ông là luân lý của giai cấp thống trị, giai
cấp quý tộc: Tất cả những gì liên can đến quý tộc đều “tốt”; trái lại
tất cả những gì do đám phàm dân hoặc có liên can đến sinh hoạt
của bọn này đều bị cấp quý tộc cho là “xấu”, là hèn. Như thế, cấp
chủ ông đã tác tạo ra một bảng giá trị; và họ cùng nhau chia xẻ
niềm tin tưởng này: Bọn lê dân hèn đớn, thiển cận và hay nói
dối”. Thành thử tất cả những gì các chủ ông nói với nhau đều có
giá trị xác thực. “Chúng ta là những người chân thực”. Họ không
nhận thấy nơi phàm dân có điều chi đáng quý hết; và giả sử họ
có thương bọn lê dân, thì không phải vì bọn này đáng thương,
nhưng chỉ vì các chủ ông thừa sức để ban phát cho họ những
thặng dư của đời sống “tốt” của mình. Người quý tộc có bản tính
ngang tàng, kiêu hãnh. Chư thần đã đặt trong ngực họ một quả
tim sắt đá, cho nên một vị anh hùng đã nói: “Lúc thiếu thời ai đã
không có quả tim cứng rắn, thì không bao giờ sẽ có nữa”. Những
người theo luân lý này thực khác xa với những thứ luân lý tân
thời chuyên môn giảng dạy từ bi, xả kỷ và vị tha. Luân lý chủ ông
xây trên tự tin, tự đại: Họ là những người tôn trọng kẻ hào hùng.
Luân lý nô lệ thì ngược lại. Họ là những kẻ bị kiềm chế, sống
trong ức hiếp và đau khổ. Họ là những tâm hồn nhu nhược, hèn
yếu, mệt mỏi. Nhưng họ cũng lập ra một bảng giá trị riêng cho họ,
xứng hợp với hoàn cảnh sinh hoạt của họ. Con mắt của kẻ nô lệ
luôn luôn sợ cái oai phong của người hùng, sợ những nhân đức
của chủ ông. Kẻ nô lệ chỉ mến yêu những gì có khả năng xoa dịu
nỗi thống khổ của họ: Vì thế họ lập ra những nhân đức nô lệ như
đức nhẫn nại, đức khiêm tốn, đức từ bi. Trái lại, tất cả những
nhân đức của chủ ông đều trở thành mối lo sợ cho họ. Họ cho là
“xấu” tất cả những gì có tính chất hùng mạnh, đáng ghê sợ.