người luôn luôn nói rằng: “Tất cả mọi sự đều giả trá và vô ích”.
Rồi phân tích trạng thái đó, Nietzsche cho rằng căn bệnh hư vô ở
tại người ta quen tin tưởng rằng mục đích cuộc đời ta không do ta
đặt cho mình, nhưng do một quyền bính siêu phàm. Như vậy con
người coi đời mình như công việc của người khác, y như kiểu
những tên nô lệ nghĩ rằng việc chúng làm không ích lợi cho
chúng, nhưng chỉ ích lợi cho ông chủ thôi. Cho nên Nietzsche đã
hét lên: “Thù địch của tôi là ai? Đó là bọn người muốn bỏ bê tất
cả mọi sự và không muốn tự kiến tạo lấy mình. Chúng là những
kẻ nói rằng: “Tất cả mọi sự đều vô ích” và chúng không biết tạo
lấy những giá trị cho mình”.
Muốn kiến tạo một lớp người tự do, biết tự chủ và tự mình đạt
lấy những giá trị cho mình, Nietzsche đã nêu cao tôn chỉ sau đây,
một tôn chỉ mà người ta có thể đọc thấy nhiều lần trong các tác
phẩm của ông: “Hãy luôn luôn trở nên chính mình anh, hãy là chủ
ông và là nhà điều khắc để tạc nên chính mình anh”: “Deviens
sans cesse celui que tu es, sois le maitre et le sculpteur de toi-
même”. Nói cách khác: Anh hãy dám là anh đi, đừng là con người
mà người ta nghĩ về anh hoặc con người mà anh cho rằng người
ta nghĩ anh phải trở nên thế. Deviens ce que tu es! Anh hãy trở
nên chính mình anh, anh hãy dám là anh đi! Nhìn vào xã hội
quanh ta, có lẽ còn cần phải nhắc lại câu trên đây của Nietzsche,
vì phần đông nhân loại vẫn sống trong cảnh nô lệ tinh thần. Mà
nô lệ tinh thần còn đáng khinh bỉ và đáng thương hại hơn cảnh nô
lệ thân thể nhiều. Theo Nietzsche, tất cả những ai nhắm mắt tuân
theo những thể lệ và cách sống của xã hội, đều là người nô lệ
tinh thần: Bọn này sinh ra để phục vụ xã hội, mang thân làm
những viên gạch cho người hùng xây dựng xã hội; nhưng nếu
người hùng chưa xuất hiện, thì tất cả nhân loại giống như một