bước đi của mình. Lý tưởng do Nietzsche vạch ra thực là rõ ràng
và dứt khoát.
Sau khi trình bày triết học của Nietzsche, chúng tôi thấy có
bổn phận phải đưa ra vài nhận xét tổng quát. Đó là điều chúng tôi
không cảm thấy cần khi bàn về triết học của Kierkegaard. Là vì tư
tưởng của Nietzsche chứa đựng quá nhiều chất độc.
Trước hết chúng ta cần xét đến thái độ chống tôn giáo của
ông. Hai tôn giáo hay bị ông gọi tên ra để thóa mạ là Ki-tô giáo và
Phật giáo mà ông coi là điển hình của luân lý nô lệ. Những lời
ngạo mạn của ông rải rác trong tất cả các tác phẩm của ông, nhất
là trong cuốn Volonté de puissance. Chúng ta nhớ: Ông trách các
tôn giáo đã tạo ra những giá trị nô lệ, và sở dĩ các tôn giáo làm
thế vì không có khả năng đạt được những nhân đức hùng cường
của người bạo động. Thí dụ người nghèo muốn coi cảnh thanh
bạch là cao quý và đáng trọng hơn cảnh giàu sang, chỉ vì chính
người đó đã nhọc xác đi kiếm của mà không được: Thành thử họ
thần thánh hóa cái cảnh mà họ đành chịu sau bao nhiêu vùng dậy
vô ích. Cũng một lẽ, Nietzsche cho những nhân đức như từ bi,
nhân nhượng, khiêm tốn chẳng qua chỉ là những thái độ của kẻ
nhu nhược và bất lực nhưng lại tự kiêu, muốn kẻ khác coi trọng
cái mà có lẽ không bao giờ người đời coi trọng được. Max
Scheler đã dành một thiên khảo cứu để nhận định về những ý
nghĩ này của Nietzsche: đó là đề tài cuốn L’homme du
ressentiment (Con người phẫn chí). Scheler đã vạch trần những
sai lầm của Nietzsche: Người phẫn chí là con người tiêu cực oán
thù, sở dĩ đề cao đức tính này vì có ý đả kích đức tính kia, tức
đức tính mà họ không thể đạt được. Nhìn vào Ki-tô giáo (Scheler
chỉ biện hộ cho Ki-tô giáo), chúng ta thấy đạo đó xây trên những
nhân đức tích cực, và trung tâm của đạo đó là bác ái. Bác ái
không những không oán thù, không mang mầm mống phẫn chí,