cho tôi thấy không thể lìa xa thế giới, vì thế giới là môi trường
sinh hoạt của tôi như cá với nước: Trong ba thí dụ trên đây, thí dụ
thứ nhất là tri giác, còn hai thí dụ sau là hoài niệm. Trong những
thí dụ đó, quyển sách là thành phần của thế giới, em tôi cũng là
hữu thể trong thế giới và là thành phần của thế giới; còn tôi? Tôi
cũng là thành phần trong thế giới, vì hễ tôi nghĩ về tôi, nhất định
tôi thấy tôi ở nơi nọ, nói chuyện với người này, chơi với người nọ
v.v... Triết học đã nêu sự thực này lên khi gọi con người là một
hiện hữu tại thế (l’être au monde). Thế giới không những là nơi tôi
sống, và còn là cái tôi nghĩ, điều tôi lo, là tất cả những nỗi niềm
tâm tình của tôi nữa. Chẳng những không có thế giới, tôi không
thể sống; hơn nữa không có thế giới, tôi không thể suy tưởng chi
hết, vì tất cả những gì tôi suy tưởng đều là những gì của thế giới.
Thành thử đúng như Kant đã nói: “Tâm lý học duy trí không có
quyền nói chi hết, hoặc cùng lắm chỉ có quyền nói “Tôi suy
tưởng”. Chỉ có thế: “Tôi suy tưởng”. Còn hễ nói tôi suy tưởng gì
thì khoa đó đã vượt quá phạm vi của trí tuệ thuần túy để ăn gian
vào phạm vi của thế giới rồi”.
Husserl đã vạch rõ tính chất của ý thức là ý thức về... Nghĩa là
về một cái gì... Husserl gọi tắt tính chất của ý thức là ý hướng tính
(intentionnalite): Như vậy bản tính của ý thức không phải là nằm
lỳ trong một thái độ tự nội (immanence), nhưng bản tính của nó là
hướng ra. Sartre dùng một chữ mạnh hơn; ông gọi bản tính của ý
thức là “s’éclater vers” (nhảy xổ ra); cho nên một đàng bản tính
nó không phải là nằm ỳ trong một thứ thâm cung mịt mờ, đàng
khác chúng ta không thể chấp nhận những “nội dung của ý thức”
(contenus de la conscience) như tâm lý học cổ truyền thường chủ
trương.
Qua mấy dòng sơ sài này, chúng ta cũng đủ nhận thấy hai ý
nghĩa của câu “ý thức bao giờ cũng là một ý hướng”. Ý nghĩa thứ