vật trong tâm linh con người; không nhận có những đối tượng ở
trong ý thức, vì nói đối tượng mà lại nói chúng ở trong ý thức là
mâu thuẫn.
Qua mấy dòng về bản tính ý thức theo quan điểm hiện tượng
học, chúng ta đã thấy Husserl trả lại tính chất tinh thần cho tâm
linh: Thay vì coi tâm linh như kho chứa hoài niệm theo các tâm lý
gia cổ điển và cả Bergson nữa, Husserl dạy ta chỉ nên coi tâm
linh là ý thức và ý thức là cái nhìn. Sự nhìn và cái sự vật mà ta
nhìn, tuy liên hệ vô cùng mật thiết với nhau, nhưng đó là hai thực
tại hoàn toàn khác nhau, và khác nhau về bản tính. Cần nhớ bản
tính của ý thức là ý hướng tính như chúng ta vừa xem qua đây,
chúng ta mới dễ hiểu phương pháp phân tích hiện tượng học, tức
giảm trừ hiện tượng học (réduction phénoménologique), mà
chúng ta sẽ xem nơi phần sau này.
b) Đối tượng bao giờ cũng là đối tượng cho một ý thức.
Trong phần này, chúng ta đứng về phía đối tượng để nhìn cho
rõ tính chất liên hệ mật thiết (corrélat) giữa ý thức ta và cái mà ta
ý thức. Nếu không thể có ý thức thuần túy nếu ý thức luôn luôn
phải là ý thức về một cái gì, thì ngược lại, không thể nói đối tượng
mà lại không đối diện với một ý thức. Đối tượng không thể là đối
tượng cho một sự vật vì sự vật không có khả năng truy nhận và
tri thức đối tượng. Và ý thức đó phải là một ý thức nào nhất định,
tức một chủ thể, một nhân vị, không thể nói ý thức phổ quát tức ý
thức phi nhân vị và vô ngã. Cho nên ý nghĩa thứ nhất của đối
tượng là nó phải là đối tượng cho một ý thức nào nhất định: Ý
thức đó là tôi, là anh, là anh Ba, là chị Hai v.v... nhưng nhất thiết
phải là một ai, một nhân vị. Và đã nói nhân vị là nói đến những
con người độc đáo, mỗi người có một quan điểm riêng đối với đối
tượng kia, và đó là chỗ đứng để mỗi người nhìn đối tượng đó. Thí
dụ cũng là thằng cháu Việt của tôi, một thằng con trai bằng