nhìn trắc diện là cho ta thấy và chỉ cho thấy phía mà sự vật đối
diện với ta thôi, thành thử nếu muốn biết rõ sự vật, chúng ta phải
có nhiều cái nhìn trắc diện khác nhau, nhìn trước, nhìn sau, nhìn
từ phía trên, nhìn từ phía dưới, luôn luôn đổi cái nhìn (Plotin). Và
đó là lý do những trang sách mô tả hiện tượng học của tiểu thuyết
và kịch bản triết học mới. Trong khi triết cổ điển lạnh lùng coi vũ
trụ như không còn gì hay ho đáng cho ta tìm bới, thì hiện tượng
học chủ trương rằng mỗi cái nhìn chỉ vén màn cho ta thấy một
khía cạnh của sự vật thôi, nên càng nhìn, càng đi sâu vào sự hiểu
biết sự vật ta càng thấy những sắc thái mới mẻ của nó; và cho
đến mãi mãi, sự vật vẫn dành cho ta những bỡ ngỡ, nếu ta biết
thay cách nhìn để tìm hiểu nó hơn.
Ý nghĩa thứ hai của đối tượng là siêu việt tính. Các nhà hiện
tượng học thường nói: Bản tính của đối tượng là siêu việt. Chữ
siêu việt (transcendant) đây đối lại chữ tự nội (immanent): Nói
rằng bản tính của đối tượng là siêu việt, thực ra chỉ có ý nói rằng
đối tượng không ở trong ý thức, nhưng ở ngoài và đối diện với ý
thức. Hiểu như thế rồi, chúng ta thấy hoài niệm không phải là
những hình ảnh của quá khứ còn được tàng trữ trong ý thức như
kiểu những tấm ảnh chụp giữ trong quyển an-bom: Nếu quả thực
có những hình ảnh như thế, thì ý thức ta thực sự trở thành cái
kho chứa, và những hoài niệm kia quả là những sự vật vật chất
như tấm ảnh giấy này, bức họa sơn dầu kia; như vậy sao còn nói
được tính chất tinh thần của tâm linh ta? Hiện tượng học dạy ta
tránh đừng có những chủ trương duy sự (chosiste) như thế, đừng
coi những hoài niệm là những hình ảnh ghi lại việc xưa kia, cũng
đừng coi tưởng tượng là nhìn vào những hình ảnh của ý thức và
trong ý thức. Theo hiện tượng học, tất cả các cái nhìn đều hướng
ra (không hướng vào), và mỗi loại tri thức của ta là một trạng thái
của ý thức. Thí dụ tri giác, hoài niệm, tưởng tượng v.v... đều là