TRIẾT HỌC HIỆN SINH - Trang 139

những kiểu ý thức khác nhau và đều hướng về một đối tượng ở
ngoài ý thức và đối diện với ý thức. Cho nên nói về hình ảnh của
tưởng tượng, nhà hiện tượng học không coi đó là một hình ảnh
cứng đờ, nhưng quyết rằng: “Hình ảnh cũng là hình ảnh về một
cái gì”. Như thế không có sẵn những hình ảnh trong ý thức. Khi ta
hình dung hình ảnh người em đang ở chốn xa xôi, thì lúc đó do
sự ý thức hướng tới người quen thuộc trước đây (người em), ta
có thái độ như lại đối diện với người em đó; tuy nhiên, vì sự đối
diện này chỉ làm ta hướng tới một đối tượng được hiện diện hóa
mà thôi (không thực sự hiện diện), nên kết quả của ý hướng
không phải là một tri giác, nhưng là một hoài niệm. Điều quan
trọng phải chú ý là: Dầu tri giác hay hoài niệm, đối tượng của ý
thức vẫn đối diện với ý thức, tức là ở ngoài ý thức. Các nhà hiện
tượng học gọi tắt tính chất đó của đối tượng là siêu việt tính của
đối tượng.

Đến đây, chúng ta đã nhận định mối tương hệ vô cùng mật

thiết giữa ý thức và đối tượng, mật thiết đến nỗi không thể có ý
thức khi không có đối tượng, và cũng không thể có đối tượng khi
không có ý thức. Tất nhiên có người sẽ vấn nạn: “Có thể có đối
tượng mà không cần ý thức. Thí dụ có một hòn đảo giữa Thái
Bình Dương, chưa ai khám phá ra, nhưng nó vẫn có đấy”. Xin
thưa rằng hòn đảo đó chỉ là đối tượng cho Thượng đế, còn người
trần gian chưa ai thấy nó thế nào, thì gọi nó là đối tượng cho
chúng ta sao được? Và nếu anh là người đầu tiên tìm ra nó, thì
nó mới chỉ là đối tượng cho anh thôi; còn tôi biết gì về nó, đều chỉ
biết qua những tường thuật của anh mà thôi, cho nên tôi không
có quyền gọi nó là đối tượng của tôi; cùng lắm tôi chỉ có thể nói
hòn đảo đó là đối tượng của anh, và tôi hoàn toàn tin về cái nhìn
của anh, nên có thể biết chút ít về nó.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.