học không phải là hiện tượng nguyên thủy, nhưng hiện tượng học
mới là khoa học đặt nền cho các khoa học vì hiện tượng học giúp
ta nhận thấy ta đã thực sự nhìn thế giới theo quan điểm nào.
Phương pháp hiện tượng học. - Nếu đã hiểu ý nghĩa chữ
“hiện tượng” và chủ đích khoa hiện tượng học của Husserl, thì
phần phương pháp đây không còn là một mầu nhiệm cho ta nữa.
Nên nhớ thế giới không phải là thế giới tuyệt đối, muôn đời vẫn
thế và ai xem cũng thế: Một thế giới như thế không phải là hiện
tượng cho tôi. (Xin nhắc lại đây: Chữ hiện tượng của Husserl
không có nghĩa là một sự xuất hiện như kiểu thần linh hiện hình;
nó cũng không có nghĩa như chữ hiện tượng của Kant là màn che
và làn da bao bọc lấy bản thể tức tự thân (noumène); hiện tượng
của Husserl chỉ có nghĩa là chính sự vật xét như nó là đối tượng
cho một ý thức, nên hiện tượng của Husserl không che sự vật,
nhưng là chính sự vật theo chiều hướng tôi thấy nó; đã thế thì tôi
cần phải có nhiều cái nhìn trắc diện về cùng một sự vật, mới
trông biết nó một cách đáng gọi là biết; tuy nhiên, sau trăm ngàn
cái nhìn trắc diện, như trăm ngàn phía để thâm nhập vào huyền
nhiệm của sự vật sự vật mãi mãi vẫn dành cho tôi những bất ngờ,
vẫn còn những ẩn khúc mà tôi chưa thấu).
Đã nói đối tượng là đối tượng của một ý thức, tức của một cái
nhìn nào nhất định, thì công việc của nhà hiện tượng học là nói
cho ta biết đúng cái thế giới đó, y như ông ta đã thấy (Trong bài
này, cũng như trong bộ danh từ hiện tượng học, hai chữ thế giới
và đối tượng thường được coi là đồng nghĩa). Phương pháp diễn
tả của nhà hiện tượng học không còn là định nghĩa trừu tượng
như kiểu các nhà tâm lý học cổ điển, nhưng là mô tả. Nói mô tả
theo hiện tượng học là nói đến một khoa học mới. Ta đừng lẫn
mô tả hiện tượng học với những mô tả của văn học trước đây,
dầu là mô tả của nhóm tả chân. Tả chân hay tả gì đi nữa, các văn