nghệ sĩ đều đứng trên quan điểm mà Husserl gọi là duy nhiên, coi
thế giới là tuyệt đối. Mặc dầu có những văn sĩ đã nghĩ được tới
mức: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Người buồn cảnh có vui
đâu bao giờ” nhưng các ngài vẫn cho thế giới là xa lạ, có thông
cảm với ta chút ít là cảm tình lắm rồi. Trái lại hiện tượng học coi
thế giới là cái tôi đã nhìn và đã sống (erlebnis): Ngoài ra không
còn thế giới nào khác. Như thế phương pháp mô tả của hiện
tượng học đòi một quan điểm mới và một tập quán mới. Chúng ta
thường quá quen với thái độ duy nhiên, cho rằng chúng ta chỉ có
thể biết thế giới thiên nhiên (monde naturel); với hiện tượng học,
chúng ta sẽ thấy một thế giới huyền nhiệm và phong phú hơn, đó
là thế giới hiện tượng học (monde phénoménologique). “Đứng
trong thái độ duy nhiên, ta chỉ thấy được thế giới thiên nhiên mà
thôi. Bao lâu người ta chưa vươn tới thái độ hiện tượng học và
chưa tìm ra phương pháp để chụp được sự vật theo cách nguyên
thủy, thì thế giới hiện tượng học vẫn cứ là một ẩn số không ai có
thể ngờ rằng có”. Như vậy muốn bước vào thế giới hiện tượng
học, cần phải có một phương pháp.
Phương pháp đó được Husserl gọi “những giảm trừ”
(réduction). Xin nói ngay ý nghĩa kỳ quặc của danh từ này. Giảm
trừ là gì? Thưa là dần dần rút mình ra khỏi thái độ duy nhiên để
tống tất cả về phía trước, làm đối tượng cho ý thức. Nhờ những
giảm trừ - nói những, vì có nhiều - ý thức rút mình ra khỏi thế giới
duy nhiên để nhắm một thế giới hiện tượng, rồi sau cùng ý thức
rút mình ra khỏi những ý hướng của nó để trở thành ý thức siêu
nghiệm. Như thế nghĩa là: Kết quả của các giảm trừ là gỡ ý thức
ra khỏi tất cả những bám víu của duy nhiên để chỉ còn là cái nhìn
thuần túy nhìn tất cả mọi sự, vì mọi sự đều trở thành đối tượng
rồi, kể cả những tâm tình của chủ thể.
Có một thứ giảm trừ chính?