một hiện tượng, nghĩa là gỡ chủ thể ra khỏi thế giới, không phải
là chuyện dễ. Không những các tập quán trí tuệ ta chống lại việc
đó; chính những quyến luyến giác quan của ta cũng chống lại
nữa... Công việc đi tìm chân lý chỉ có nền tảng khi chúng ta bước
sang thái độ hồi tưởng siêu nghiệm, không những biết phân biệt
cái Tôi thuần túy ra khỏi cái thân xác là cơ cấu của những cảm
giác, nhưng còn phải phân biệt cái Tôi đó ra khỏi linh hồn là nơi
cái Tôi đó được biểu lộ, và còn phân biệt nó ra khỏi những tâm
trạng của dòng ý thức nữa”. Thực đúng như Husserl đã nói: “Nhờ
cái ngưng hãm (époché, inhibition) mà tôi quàng lên toàn thể thế
giới, ý thức trở thành ý thức thuần túy. Ý thức này không đối diện
với hư vô đâu, nhưng nó đối diện với đời sống thuần túy của tôi
cùng với tất cả những tâm trạng đã sống thuần túy của nó, nghĩa
là toàn thể các hiện tượng theo nghĩa đặc biệt của hiện tượng
học”. Nên chú ý câu “đời sống thuần túy của tôi cùng với tất cả
những tâm trạng đã sống thuần túy của nó” (ma vie pure avec
l’ensemble de ses états vécus purs): Husserl gọi đời sống cụ thể
trước đây của tôi và nay là đối tượng cho ý thức thuần túy là đời
sống thuần túy: Những tâm trạng đã thực sự chứng nghiệm trước
đây của tôi và hiện nay cũng làm đối tượng cho ý thức thuần túy,
là những tâm trạng đã sống thuần túy; vừa đã sống vừa thuần
túy, vì chúng là những kinh nghiệm cụ thể trước đây của tôi,
nhưng giờ đây chúng chỉ đối diện với ý thức tôi như một hiện
tượng mà thôi cho nên gọi chúng là thuần túy.
Trên đây là phần lý thuyết của phương pháp hiện tượng học.
Bây giờ chúng ta thử xem phần thực hành. Nói thực hành không
có nghĩa là bỏ lý thuyết, nhưng áp dụng đúng lý thuyết. Phần này
có tên là Mô tả hiện tượng học. Và cũng gọi là Triển khai
(explicitation) tức gỡ noème ra khỏi noèse, gỡ thế giới hiện tượng
ra khỏi ý thức đang gắn lấy nó. Tả đây không phải là tả thế giới