trước sau trong ngoài, cái nhìn của tôi càng sâu hơn, tâm tình và
ý hướng tôi càng đổi mãi: Thành thử theo hiện tượng học, tôi phải
tả được những “hiện tượng nhà” mà tôi đã kinh nghiệm đối với
chiếc nhà đường Tú Xương đó đối với những cảnh vật và những
người mà tôi giao tiếp cũng thế, và càng hơn thế nữa: Tôi phải
dùng hiện tượng học để mô tả đúng những cái nhìn của tôi đối
với họ ở mỗi chặng đường đời, ở mỗi tình trạng riêng biệt.
Hiện tượng học dạy ta mô tả đúng như ta đã nhìn và đã sống
những hoàn cảnh và những tình cảm kia. Không nói thêm, không
nói bớt. Nhất là không sáo ngữ; không tả theo tưởng tượng chút
nào. Mô tả tất cả những gì mình đã sống thực, và chỉ mô tả
những cái đó thôi: Đó là tôn chỉ thực hành của mô tả hiện tượng
học.
Văn học của chúng ta nghèo nàn, vì các văn sĩ thường chỉ
chắp nối những mảnh đời giả tạo họ chưa hề sống; rồi cái họ
sống, họ lại dùng những lời văn trừu tượng và thông loại để diễn
tả. Những bài tân nhạc lại càng nghèo nàn hơn nữa, không mấy
bài là không lấp bởi những hình ảnh cũ rích và những tứ nhạc
nhai đi nhai lại đến buồn nôn. Có lẽ chúng ta cần được hiện
tượng học mang lại cho chúng ta một phương pháp để nhìn sâu
hơn, nhìn đúng hơn và có quan điểm rõ ràng hơn, như thế hy
vọng những sáng tác của chúng ta sẽ phản ảnh đúng hiện sinh
của xã hội ta hơn, nói lên được những ý hướng thực sự đang rạo
rực trong lòng ta hơn.