choses par leurs causes suprêmes). Như thế, con người không
có chỗ đứng riêng; con người cũng bị coi là một trong hàng vạn
vật. Trong cả bộ triết học Aristote không dành phần nào cho con
người hiện sinh hết, không bàn đến tự do, không bàn đến nhân
vị, không bàn đến định mệnh và những gì đợi chúng ta sau khi
chết. Vũ trụ to quá, át tất cả. Con người bị bỏ quên.
Thực ra, triết học Aristote và nói chung triết học cổ truyền, đã
phản ảnh thái độ sơ khai của ý thức con người ý thức bị phóng
thể. Đứa bé con cởi truồng đi chơi ngoài đường: Nó không biết
xấu hổ vì nó chỉ nhìn người ta, và nó nhìn nó bằng con mắt ngây
thơ của nó; nó chưa biết nhìn nó bằng con mắt của người ta đang
nhìn nó. Tóm lại nó chỉ nhìn ra, không nhìn vào và không nhìn về
chính mình nó. Thời kỳ niên thiếu là thời kỳ con người sống
phóng thể, hoàn toàn hòa mình vào vũ trụ: Con người phóng thể
sống trong vũ trụ và chỉ ý thức về các sự vật trong vũ trụ đó; khi
nào con người ý thức được rằng mình đang sống trong vũ trụ,
mình đã sử dụng sự nọ vật kia, mình đã có thái độ tốt này thái độ
xấu kia v.v... thì khi đó con người mới bước sang giai đoạn phản
tỉnh. Thời kỳ phóng thể có thể kéo dài lâu hay chóng tùy nơi mỗi
người và mỗi dân tộc: Có những người sống đến già vẫn chưa
hoàn toàn ý thức về ý nghĩa cuộc nhân sinh, họ chỉ sống hơn kém
một động vật cao đẳng; và có những dân tộc, cho đến nay, vẫn
chưa ý thức về tình cảnh bi đát của mình, đành chịu ách nô lệ
thực dân, độc tài.
Triết học về thiên nhiên là điển hình triết học phóng thể; chủ
đích của triết học đó là tìm ra căn nguyên của vũ trụ. Khi triết gia
đầu tiên của Hy Lạp, ông Thalès, nhìn vũ trụ và ông muốn gọi tên
của nguyên ủy vũ trụ, thì ông nói: “Nước! Nước là nguyên ủy vạn
vật”. Héraclite bảo nguyên ủy đó là Lửa. Rồi ông thì bảo là Khí,
ông lại nói là Vô định. Parmenide chủ trương nguyên ủy đó là