Chỉ cần nhớ rằng bộ Siêu hình học của Aristote là bộ sách xếp
sau bộ Vật lý học của ông, và tựu trung vẫn đề cập đến cùng một
loại vấn đề: Giải nghĩa vạn vật bằng bốn nguyên nhân căn bản
của chúng, tức nguyên nhân mô thể, nguyên nhân chất thể,
nguyên nhân tác thành và nguyên nhân cứu cánh. Người ta
không thấy một cách biệt nào giữa hai khu vực vật lý (physique)
và khu vực siêu hình học (métaphysique) của triết học ông. Có
học giả đã nói giễu: “Vật lý học của Aristote là một thứ vật lý học
siêu hình và siêu hình học của ông lại là siêu hình học vật lý”. Một
điều chắc chắn và rõ ràng là: Aristote đã quan niệm vũ trụ như
một toàn bộ có trật tự, trong đó con người chỉ chiếm một địa vị
tầm thường. Tầm thường, vì con người không toàn hảo bằng các
hành tinh, và tất nhiên là thua các định tinh nhiều lắm.
Vũ trụ quan của Aristote cho thấy một con người bị chìm mất
trong vũ trụ, bị đặt dưới những vật thể như tinh tú.
Thánh Thomas, nhờ ảnh hưởng đạo Thiên Chúa, đã bổ túc
triết học Aristote bằng những quan niệm về nhân vị tự do và định
mệnh cao cả của con người. Nhưng kết cục ngài vẫn không thay
lập trường cho triết học vật lý của Aristote, cho nên người ta bó
buộc phải công nhận rằng triết học của ngài vẫn là triết học về
thiên nhiên.
Descartes, với sự khám phá ra chủ thể tính con người và tự
do mang nặng chất hiện sinh, đã hé nhìn thấy đường đi của triết
học. Cho nên “đối với Descartes, không thể có triết học về vũ trụ,
nhưng chỉ có khoa học về vũ trụ và triết học về tinh thần”. Đúng
thế, nghiên cứu vạn vật là lãnh vực của khoa vật lý, còn triết học
không nên tranh giành đối tượng đó với khoa học; triết học có
nhiệm vụ rõ rệt và riêng biệt, là tìm hiểu con người, và con người
đây không phải là sự vật sinh tồn, nhưng là sinh hoạt tự do, tức
tinh thần. Đáng tiếc thay, Descartes đã vội đối tượng hóa con