người; mà con người đối tượng là con người vật thể mất rồi. Kant
và nhất là Hegel còn đẩy đà này đi xa hơn, thành thử triết học vẫn
lẩn quẩn trong thái độ ý niệm, coi con người là thế này thế nọ,
trong khi con người có thể là quỷ hay là thánh, có thể sống làm
thân trâu ngựa, sướng cái đời con vật, hay trái lại có thể chọn tù
ngục miễn là được nói sự thực, và sống xứng đáng con người tự
do. Đó là lập trường và chủ đích của triết học hiện sinh.
Trước khi nói đến triết hiện sinh với chủ trương thăng tiến con
người, chúng ta cũng nên biết qua hình thức văn chương của triết
học cổ điển. Có thể mở bất cứ bộ triết học cổ điển nào, chúng ta
cũng thấy một bộ máy những danh từ quá trừu tượng và quá
chuyên môn. Người ta có cảm tưởng đứng trước một trang sách
toán học trá hình: Các lý luận đều liên kết bằng những câu tam
đoạn luận, thành thử cả trang sách chỉ là một mớ những câu tam
đoạn luận, và cả cuốn sách chỉ là tổng số những câu định nghĩa
và những câu tam đoạn luận. Kết cục, người sinh viên không học
được điều chi ngoài cái hình thức lý luận trừu tượng đó. Tệ nhất
là các vấn đề được nêu lên ở đó hoàn toàn là những vấn đề giả
tạo, những vấn đề không do cuộc sinh hoạt thực tế xui nên,
nhưng chỉ là những vấn đề lý thuyết xa xôi do các học giả ngồi
trong thư phòng nghĩ ra như kiểu người ta nghĩ ra những câu đố
chữ. Về điểm này, L.M.Chênu, một nhà nghiên cứu về triết Kinh
viện đã viết: “Không phải những điểm bị hồ nghi hoặc bị chối cãi,
nhưng là những điểm mà hết mọi người đồng ý và tin tưởng như
nhau, đã được các nhà thần học và triết học nêu lên thành vấn
đề. Như vậy chỉ là những vấn đề hình thức mà thôi”. Nội dung
hình thức, lối văn diễn tả lại máy móc và trừu tượng, một triết học
như thế chỉ là một món tiêu khiển thanh nhã của những người
quý phái và an nhàn. Và thực ra, triết học cổ điển chỉ dành riêng
cho những con nhà thượng lưu mà thôi, và họ dùng trí thức triết