mặt xã hội hiện nay và cố xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, và
như vậy con người cho lại xã hội), Sartre phân tích hai thế sinh
hoạt chính của con người, và đó là hai thiên của cuốn Critique de
la raison dialectique: Con người sống trong xã hội, xét theo
phương diện tĩnh, tức theo chiều ngang; con người sống trong xã
hội, xét theo phương diện động, nghĩa là theo hướng tiến của lịch
sử. Cũng như những nhận định tâm lý học của ông, những phân
tích xã hội học của Sartre có rất nhiều giá trị nhân bản...
Với những dòng toát lược về nội dung cuốn Critique de la
raison dialectique trên đây, chúng tôi chỉ có mục đích cho bạn đọc
thấy Sartre không đề cập đến vấn đề nhân sinh trong cuốn sách
đó; ông chỉ tranh luận về phương pháp nghiên cứu mối giao tiếp
biện chứng giữa con người và xã hội thôi. Vậy chúng ta phải trở
lại cuốn L’Être et le néant mới tìm thấy triết lý nhân sinh của
Sartre. Các học giả công nhận đây là kỳ công của Sartre: Triết
nhân đã gửi vào cuốn sách này tất cả những gì là tinh hoa của tư
tưởng ông. Trong hơn bảy trăm trang giấy đen nghịt những chữ,
qua những phân tích đôi khi rất tinh vi về những cảnh huống sinh
tồn, Sartre đã vạch trần những dự tính thầm kín của con người,
cả những ý hướng mà con người vì “ngụy tín” (mauvaise foi) đã
tự bịt mắt để khỏi nhìn nhận. Tiếc rằng trong khuôn khổ tác phẩm
này, chúng ta không thể cùng nhau dừng lại nơi những chi tiết
khá lý thú mà Sartre có công đào bới đó. Chúng ta chỉ nghiên cứu
tư tưởng của Sartre về hai vấn đề căn bản nhất của triết học mà
thôi: Vũ trụ quan và nhân sinh quan. Sự thường mỗi triết thuyết
đều đưa ra những quan điểm về ba vấn đề then chốt của triết
học: Vũ trụ, con người, Thượng đế. Đó là ba thắc mắc thường
xuyên của con người mọi nơi và mọi thời. Cũng như tất cả các
triết gia khác Sartre đã nhiều lần nói rõ ý nghĩ của ông về vũ trụ,
về con người và về Thượng đế. Dưới đây chúng tôi chỉ trình bày