bằng việc chiếm hữu một số cô gái đẹp; những tâm tình đó nhằm
chiếm lấy toàn thể vũ trụ qua người con gái đó. Người đàn bà,
trong những trường hợp như thế, chỉ là hình thái cụ thể của vũ trụ
đối với ta thôi. Thành thử tất cả các đam mê kia chẳng qua chỉ là
những khía cạnh của cùng một dự phóng căn bản: Dự phóng
chiếm lấy toàn thể vũ trụ. Vũ trụ là tha thể (l’autre) đối với con
người: Con người không được thỏa mãn trước khi vãn hồi tất cả
những gì là tha thể đối diện với nó đó”. Những ý tưởng của Sartre
biểu lộ trong đoạn văn đây không phải là không có phần đích
đáng. Ông đã muốn nói lên một sự thực mà con người mọi nơi và
mọi thời vẫn hằng tin tưởng. Sự thực đó là: Con người có bản
tính thần linh, cho nên những ước muốn của con người thường
có ý bao trùm lấy cả trời đất. Thánh Augustin viết: “Lòng chúng ta
không nguôi cho đến khi đạt được an nghỉ nơi Thiên chúa”. Thi sĩ
Lamartine thì viết: “Con người là một thiên thần rơi xuống trần
gian, không thể quên được nhà trời của mình”. Triết học Ấn Độ
trong bộ kinh Upanishad lại chủ trương: “Ngã (âtman) cũng chính
Bà-la-môn (Brahman). Con người, hay nói đúng hơn, phần tâm
linh con người cũng chính là tinh thần tuyệt đối của vũ trụ”. Bằng
cách này hay bằng cách khác, những danh ngôn trên đây đều
chung một niềm tin: Con người ước mong đạt được cái Vô cùng.
Điều này đã được Sartre nhận định đúng đắn. Chúng ta không
thấy cần phê bình chi; nhưng Sartre đáng trách ở chỗ chủ trương
rằng con người không thể nào thực hiện được hoài vọng cao cả
đó. Chung quy cũng tại Sartre vô thần, không nhận có Thượng
đế. Không nhận Thượng đế, nhất định Sartre buộc lòng phải quan
niệm Vô cùng kia như kiểu một thực tại vô định (l’indéfini). Mà vô
định, thì làm sao mà đạt được? Chính vô định đó là cái bóng ma,
ta càng lại gần thì nó càng xa ra mãi, gây nên tình trạng “đam mê
vô ích”, cho con người của Sartre.