Từ dự phóng “có”, Sartre đã dẫn chúng ta qua dự phóng “là”:
Con người muốn có tất cả vũ trụ tha thể làm của riêng mình; con
người muốn mình là tất cả vũ trụ, muốn thanh toán tất cả những
gì là tha thể để mang vào trong bản ngã của mình. Theo kiểu nói
cổ truyền, thì qua những cái đẹp con người vẫn hướng về mỹ, và
qua những cái tốt lành, con người vẫn hướng về thiện, và qua
những điều chân thực, con người luôn luôn hướng tới chân. Tuy
Sartre không dùng kiểu nói đó, những ý tưởng ông là như vậy:
Quả thế, mấy trang sau đó Sartre đã viết rõ ràng là “hoài vọng
căn bản của con người là hoài vọng hữu thể, désir d’être”. Liền
sau đó, Sartre nói ngay “con người là chính hoài vọng làm
Thượng đế, l’homme estfondamentalement désir d’être Dieu”.
Như vậy dự phóng làm đưa tới dự phóng có, và dự phóng có
kết cục sẽ quy về dự phóng là tức dự phóng hiện hữu (projet
d’être). Không phải ta có dự phóng là bất cứ cái chi, nhưng dự
phóng căn bản đó là dự phóng làm Thượng đế. Theo Sartre, dự
phóng này hoàn toàn mâu thuẫn, phi lý.
Xem thế, dự phóng có sẽ kết thúc ở chỗ phi lý.
B - Dự phóng thông cảm với tha nhân
Về điểm này, Sartre có một lập trường rất kỳ khôi, khác hẳn
các triết gia của trào lưu hiện sinh. Marcel và Jaspers coi cảm
thông và tương chủ tính là sự kiện nguyên thủy và căn bản của
con người, mặc dầu như ta biết, hai ông công nhận cảm thông
xây trên cố gắng và “tranh đấu yêu thương”. Heidegger tuy không
đề cao cảm thông, nhưng cũng coi đó là một tương quan nhân
bản có thể thực hiện được. Trái lại, Sartre nghĩ rằng thông cảm là
một dự phóng bất khả, phi lý.
Những phân tích của Sartre về vấn đề này rất tỉ mỉ và dài
dòng. Tiếc vì thể tài tác phẩm này không cho phép đi vào chi tiết: