Cái nhìn. - Sartre đã gửi vào đây tất cả những ý nghĩ của ông
về mối giao tiếp giữa người và người. Và cũng chính nơi những
trang giấy đó, ông để lộ lập trường duy ngã của ông; nếu không
phải duy ngã, thì cũng là những duy ngã, mỗi con người là một
thế giới riêng, không cách nào thông cảm với người khác. Sartre
đã phân tích mấy hiện tượng tâm lý như hổ thẹn, sợ hãi, hiên
ngang, đều nêu lên những tương quan biện chứng giữa tôi và tha
nhân. Những phân tích đó không phải không có giá trị, nhưng ông
vội kết luận rằng không thể có tương chủ tính giữa tôi và tha
nhân. Sao tôi hổ thẹn? Và tôi hổ thẹn những khi nào? Tôi chỉ hổ
thẹn khi biết mình có thể bị người ta trông thấy: Sự hổ thẹn đã
vạch trần cái tình trạng tha quy (pour- autrui) của tôi. Hổ thẹn vì
linh tính báo cho tôi biết tôi là một hữu thể cho người khác nhìn.
Tôi không hổ thẹn trong phòng tắm, trước những chiếc khăn và
chiếc ghế; tôi cũng không hổ thẹn trước mặt những con vật, như
con chó con mèo. Hơn nữa. Tôi không hổ thẹn trước mặt những
con nít ba bốn tuổi. Tôi chỉ hổ thẹn trước mặt những con người
đã có ý thức tự quy, nghĩa là trước mặt những con người đã là
chủ thể thực sự. Về hai tình cảm sợ hãi và hiên ngang cũng thế.
Những nhận xét tâm lý đó, chúng ta cũng nhận như Sartre.
Nhưng khi ông muốn dùng mấy nhận xét đó để kết luận rằng tôi
không biết gì về chủ thể tính của tha nhân, thì chúng ta thấy ông
đã phản bội sự kiện. Trước hết, chúng ta không thể coi cái nhìn
của tha nhân như kiểu lúc nào cũng muốn phá hủy chủ thể tính
của ta. Sartre viết: “Khi tôi thấy tha nhân nhìn tôi, thì cái nhìn của
tôi liền bị biến thành cái nhìn bị nhìn (regard- regardé)... Thành
thử chính khi tôi chấp nhận chủ thể tính của tha nhân, lúc đó tôi bị
đặt trong tình trạng hiểm nghèo”. Tại sao lại hiểm nghèo? Thưa vì
tha nhân sẽ biến tôi thành sự vật cho cái nhìn của họ: Từ địa vị
chủ thể, tôi bị tha nhân quật xuống làm sự vật đối tượng. Tha