Chúng ta sẽ cùng nhau lược lại đây những nét chính của phần III
cuốn L’etre et le néant về tha nhân tưởng cũng đủ nhận ra chủ
trương của Sartre về điểm này. Phần III này có nhan đề là Le
pour-autrui (hữu thể tha quy): Như vậy sau L’en-soi, Le pour-soi,
chúng ta gặp Le pour-autrui. L’en-soi là hữu thể tự thân, tức sự
vật im lìm; Le pour-soi là hữu thể tự quy, tức chủ thể chủ động;
còn Le pour-autrui, hữu thể tha quy là chủ thể tự nhận mình bị tha
nhân nhìn ngó. Autrui là tha nhân; Pour-autrui là tôi bị tha nhân
nhìn ngó, nghĩa là tôi chỉ còn là vật cho tha nhân. Như vậy, tha
nhân có hai vai trò: Có thể là chủ thể, và có thể làm đối tượng cho
tôi; đồng thời, vì có tha nhân, nên từ nay tôi cũng có thể lúc thì là
chủ thể nhìn tha nhân, lúc thì làm đối tượng bị nhìn bởi đôi mắt
tha nhân. Khi bị nhìn thì tôi là hữu thể tha quy.
1) Trước hết tha nhân là gì?
Sartre dùng hiện tượng học để đưa ra nhận định đầu tiên này:
Tha nhân là một cái gì tôi thấy ở trước mặt, cũng như tôi thấy hòn
đá nọ, cây mít kia. Tha nhân là thành phần của vũ trụ trước mặt
tôi. Nói thế nghĩa là: Thoạt tiên tôi nhận thấy tha nhân như một
đối vật. Nhưng rồi tôi lại nhận định ngay rằng tha nhân không
phải chỉ là một đối vật như những đối vật khác: Đó là một chủ thể
có ý thức như tôi. Mấy nhận định này đưa Sartre đến chỗ ghi lại
hai đặc tính đầu tiên của tha nhân: Tha nhân không phải là tôi
(phi ngã), và tha nhân là một vũ trụ đóng kín. Đóng kín, vì tha
nhân là chủ thể, và tôi không tài nào thấy được chủ thể tính của
tha nhân: Tôi thấy tha nhân nhìn tôi, nhưng chính lúc tôi nhìn lại
tha nhân, thì tha nhân là kẻ bị nhìn, không còn là chủ thể đứng
nhìn nữa. Đây là một đoạn văn khá khúc mắc của Sartre, diễn tả
tất cả tương quan giữa người và người, cần được trình bày rõ
thêm như sau.