không có ý nghĩa của tình yêu. Nhưng Sartre lại nhìn tình yêu
dưới khía cạnh riêng của ông.
Nên biết ngay: Sartre không đứng trong lập trường hiện tượng
học để tìm hiểu tình yêu nữa, nhưng ông đứng sang lập trường
suy luận. Trên đây ông đã chấp nhận sự kiện “con người từ chối
lẫn nhau”, bây giờ ông dùng hai yếu tố đó - tôi và tha nhân - để
tạo nên tình yêu. Sartre giống như nhà hóa học, muốn theo định
lý cái nhìn trên kia, để tìm ra một công thức cho sự tổng hợp giữa
tôi và tha nhân. Nói thế, vì Sartre tuyệt đối trung thành với lập
trường cái nhìn của ông trên đây.
Nói đến tình yêu phu phụ là nói đến dự phóng thông cảm dưới
hình thức cao quý nhất và toàn hảo nhất: Nếu tình yêu đó bất
khả, thì tất cả các dự phóng thông cảm khác, sẽ chỉ là những ảo
mộng, những dự tính phi lý.
Đây là mấy nét đặc sắc của tình yêu theo quan niệm Sartre:
Thứ nhất, tôi phải liệu chiếm được chủ thể tính của tha nhân
nghĩa là liệu sao đừng biến tha nhân thành sự vật; - thứ hai,
muốn giữ nguyên chủ thể tính của tha nhân, chính tôi lại cần coi
mình như một vật bị nhìn. “Tóm lại, tôi phải hoàn toàn coi mình là
sự vật bị nhìn; có thế mới giữ được sự tự do ngó nhìn của tha
nhân chủ thể”. Nên biết ngay: Đây là kiểu tình yêu thứ nhất theo
chủ trương của Sartre. Ông gọi tình yêu này là khổ dục
(masochisme): Tôi chịu thiệt để được yêu. Tôi tìm thấy khoái lạc
trong sự chịu người khác chiếm đoạt. Tôi khoái vì bị dày vò, hành
hạ. Như vậy, ở đây, yêu là muốn được người ta yêu mình.
Muốn được yêu thì làm gì? Phải tự biến mình thành một vật
đáng yêu. Muốn trở thành một vật đáng yêu, tôi phải choán lấy tất
cả cái nhìn của tha nhân, nghĩa là tôi phải trở thành vũ trụ của tha
nhân: “Nếu tôi được yêu, tôi phải là tất cả ý nghĩa của vũ trụ cho