đáp lại sự mong muốn của tôi: Tôi muốn tha nhân biến tôi thành
sự vật yêu quí của họ, và tôi muốn họ giữ nguyên chủ thể tính
của họ, nhưng vừa khi họ đem lòng yêu tôi, họ lại muốn nâng tôi
lên hàng chủ thể để họ được yêu. Như vậy, chúng ta chứng kiến
hai điều này: Theo Sartre, tình yêu chỉ là dự phóng muốn được
yêu; nhưng vì cả hai người cùng có dự phóng đó, thành thử dự
phóng đó trở nên mâu thuẫn, không thể thực hiện được. Theo
hướng này, dự phóng thông cảm với tha nhân sẽ kết liễu trong
thất bại và phi lý.
Nhưng còn một loại tình yêu thứ hai nữa.
Đây là loại trái ngược với loại tình yêu thụ động (tức khổ dục)
mà chúng ta vừa xem qua. Loại tình yêu thứ hai này tựu trung là
một lối bạo dục, nghĩa là tôi coi tha nhân như đồ vật, dùng tha
nhân làm trò chơi cho thỏa lòng ham muốn của tôi. Trên kia, tôi
muốn người khác chiếm lấy tôi, biến tôi thành sự vật, còn đây thì
chính tôi chiếm lấy người khác. Nhưng rồi cũng như trên kia, tôi
muốn thế nào, tha nhân cũng muốn như thế: Cả hai bên cùng
muốn hành động, không bên nào chịu vai thụ động cả. Kết cục dự
phóng thông cảm với tha nhân vẫn thất bại như thường.
Chúng ta thử tìm hiểu thêm một chút về loại tình yêu thứ hai
của Sartre. Ông viết: “Chúng ta có thể khai triển ý nghĩa sâu xa
của tình yêu như sau. Phản ứng đầu tiên của tôi đối với cái nhìn
đưa tình của tha nhân là: Tôi nhìn lại tha nhân. Nhưng nếu tôi
nhìn cái nhìn của tha nhân để chống lại sức thôi miên của cái
nhìn đó, thì cái nhìn và tự do của tha nhân liền đổ sụp: Cái nhìn
của tha nhân chỉ còn là đôi mắt và tha nhân chỉ là một sự vật của
vũ trụ thôi. Tôi vẫn không chiếm được tha nhân”. Nghĩa là tôi
không đạt được chủ thể tính của tha nhân, không thông hiệp
được với tha nhân chủ thể, mà chỉ đạt được cái xác của tha
nhân. Không thông cảm được với tha nhân bằng sự kết liên hai