Heidegger thường gọi sự hiện diện này bằng hai danh từ - tiếp
thông và khai độ. Tiếp thông (com-préhension) giống như thông
hiểu, nhưng cũng khác thông hiểu. Thông hiểu là hành vi của ý
thức tự tỉnh: Nói thông hiểu là nói một cái chi thuộc lãnh vực quan
niệm và suy tưởng. Trái lại tiếp thông là hành vi của toàn thể con
người hồn xác bất phân: Tiếp thông là hành vi con người sinh
hoạt, con người có gắn liền với cái “thế giới” mà nó đang khai
minh. Khi tiếp thông thì tôi là xác tôi: Khi đó xác là chủ thể, là xác
tri giác. Khi đó tôi không thể nói tôi có xác, vì cái ta có là đối
tượng, còn cái ta là chủ thể. Khi ta tri giác, tức khi ta tại thế, thì
đối tượng là cái mà con người của ta đang tiếp thông và khai mở.
Cái mà con người đạt được trong tiếp thông là ý nghĩa. Ý
nghĩa này cũng chính là bản chất của vạn vật đối với ta. Đó là tất
cả những gì ta tiếp nhận trong khi tiếp thông với vạn vật. Tự
Husserl đến nay, các nhà hiện tượng học gọi ý nghĩa đó là một
hiện tượng, để nêu cao tính chất lệ thuộc hỗ tương giữa ý thức ta
và sự vật mà ta tiếp nhận trong tri giác. Vì thế Heidegger mới
nhấn mạnh vào chữ Dasein để quyết rằng thế giới chỉ là cái mà
con người đã tiếp thông mà thôi, đồng thời con người lại chỉ là sự
tiếp thông đó, sự hiện diện đó, sự hiện hữu đó. Dasein có hai
mặt: Xét về phương diện đối tượng, Dasein là thế giới mà con
người đã nhờ tri giác khai minh và làm xuất hiện: Xét về phương
diện chủ thể, Dasein là chính con người vì con người hiện hữu
như một hiện diện. Đến đây, chúng ta hiểu phần nào ý nghĩa chữ
Dasein và mối tương quan hiện hữu giữa con người và cái thế
giới mà mối tiếp thông đã cho phép con người làm xuất hiện như
môi trường sinh hoạt của mình.
Chúng ta sẽ càng hiểu điều đó khi tìm hiểu chữ khai độ
(apérité, die Offenheit) mà Heidegger dùng để chỉ hành vi tiếp
thông trên đây. Nói khai độ là nói cửa mở vào, mở rộng hay mở