TRIẾT HỌC HIỆN SINH - Trang 290

xuống làm nền ảnh, và khi đó ngôi chùa Linh Mụ chỉ là cái nền
của nền. Như vậy cái chi được ta nhắm thì gọi là hình ảnh;
Heidegger gọi nó là “thế giới”; còn cái chi mặc dầu ta không chú ý
nhìn mà vẫn được nhận thấy như là nền của hình ảnh, cái đó
Heidegger gọi là “nền đất”.

Như vậy bây giờ chúng ta phải bỏ lập trường duy sự; chúng ta

đừng coi cái nhìn của con người như thừa nhận những sự vật
(les étants) vẫn có đấy như thế; nhưng chúng ta phải cùng với
Heidegger nhận thức rằng “thế giới hình thành thế giới cho con
người do sự tiếp thông mà con người có với bản chất vạn vật”.

Quan niệm về tiếp thông và khai độ của Heidegger xem ra

không xa quan niệm của Husserl về mối tương đồng (conélat)
giữa ý thức và cái mà ta ý thức (noèse và noème): Khác một điều
là Husserl đã dành phần chủ động cho chủ thể, vì Husserl đã chủ
trương ý thức gán ý nghĩa cho đối tượng (Sinngebung). Trái lại
Heidegger không công nhận tính cách chủ động thiên về phía ý
thức như thế; theo Heidegger, thì hiện tượng “thế giới” xuất hiện
trong khai độ của Dasein, khi Dasein thể hiện bản chất của nó là
tiếp thông với cái mà khai độ vừa cho phép nó tiếp thông. Nói thế
vì theo Heidegger, bản chất của Dasein là biểu lộ ý nghĩa những
sự vật: Chính việc biểu lộ này là sự hình thành các sự vật đó; sau
đó chúng được con người coi như những “hữu thể” (les étants),
nhưng sự vật cứng đọng, những hữu thể đã hình thành. Nhưng,
cần phải hiểu rằng, trước sự hình thành kia, trước sự tiếp thông
kia, thì chưa có những sự vật đó xét như chúng là những “thế
giới”, mặc dầu chúng vẫn ẩn hiện trong “nền đất” như đang chờ
sự tiếp thông để được gọi ra ánh sáng.

B - Con người hữu-tại-thế (In-der-Welt-sein).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.