TRIẾT HỌC HIỆN SINH - Trang 294

những phản ứng vô ý của con người mới là những phản ứng
chân thành, và mới vạch rõ chân tướng con người. Thành thử
mọi sự của con người đều mang nặng ý nghĩa hiện hữu: Lời nói
của ta nó biểu lộ ta, và sự lặng thinh của ta nó cũng biểu lộ thái
độ của ta; tại sao ta tha thiết, tại sao ta quên, tại sao ta bẽn lẽn,
tại sao ta mơ màng, bằng ấy cái tại sao chỉ được giải đáp thỏa
mãn khi nào ta biết được những ý nghĩa mà ta đã tiếp thông nơi
những người và những sự vật kia. Đây là chỗ chúng ta xác nhận
mối tương đồng và sự lệ thuộc bản thể giữa “thế giới” và con
người “hữu tại thế”.

b) Dự phóng (pro-jet).

Con người có cơ cấu là dự phóng; nói đúng ra, bản chất con

người là “luôn luôn bị ném về phía trước”. Con người không bao
giờ yên; nó luôn luôn xao xuyến, luôn luôn dự tính: Bản thể con
người không ở trong con người, nhưng ở trước mặt nó.
Heidegger dùng ba danh từ cụ thể để nêu lên bản chất dự phóng
này của con người. Trước hết ông bảo bản chất con người là lo
âu (Sorge, souci); rồi ông chia cái lo âu này thành bận tâm
(Besorge) và ân cần (Fursoge). Khi ta lo âu về những câu chuyện
thì gọi là bận tâm; khi ta lo âu cho những người thân yêu, thì gọi
là ân cần. Nhưng tựu trung, lo âu, bận tâm, hay ân cần đều ném
con người về phía những sự cần phải làm. Nghĩa là ném con
người về phía những cái có thể làm, có thể thực hiện (pouvoir-
être). Chính trong viễn tượng này, Heidegger đã gọi con người là
“hữu cho sự chết” (sein-zum-Tode). Con người không thể không
có những dự định hoặc gần hoặc xa, hoặc quan trọng hoặc tầm
thường; chính những dự định này là hình ảnh hiển hiện của dự
phóng căn bản kia. Chúng ta không thể quan niệm một con người
không có dự định.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.