tạo thành cái nhắm tung mình về phía trước. Cho nên thời gian
làm nên cơ cấu căn bản của chủ thể tính”. Le temps est affection
pure du soi, thời gian là sự cảm thụ thuần túy về mình; câu nói bí
ẩn và quá chuyên môn. Thực ra câu đó chỉ nói lên sự trải mình ra
trong hiện hữu, tức là thể hiện sự hiện hữu đó.
Như thế, quá khứ không bao giờ chỉ là quá khứ, cũng như
không thể có một hiện tại chỉ là hiện tại. Heidegger thường nói
“chúng ta chỉ là cái mà chúng ta đã là”. Hiện tại của ta hôm nay là
thành quả của những thể hiện và những ý nghĩ trước đây của ta:
Đứa trẻ con đã qua đi trong đời ta; người thiếu niên cũng đã hết
thời của nó ở trong ta; tuy nhiên không có chi mất đi trong sinh
hoạt con người, xét như cuộc đời chỉ là một định mệnh duy nhất.
Vì thế, Heidegger nói: “Ta vẫn mang đứa trẻ và cậu thiếu niên ở
trong ta”. Và người ta có lý để nói như Nietzsche “đứa bé là cha
của người lớn” nghĩa là người lớn mà tôi là hôm nay, không tự
nhiên mà có, nhưng do sinh hoạt của đứa bé mà tôi đã là khi xưa.
Ta thấy hết năm nọ qua năm kia, hết chính thể này qua chính thể
khác, rồi tự nhiên ta bị nhiễm cái thay đổi, ta tưởng cũng đã có
cái chi hết đi trong ta: Sự thực thì cuộc đời mà một hiện tại kéo
dài từ khi ta ở trong lòng mẹ, cho tới khi ta sẽ nghỉ trong lòng đất.
Cuộc đời mỗi người là một thời gian duy nhất với ba thể xuất hiện
quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng quá khứ vẫn được ta “hiện
tại hóa” vì ta hiện diện với quá khứ. Về tương lai cũng thế, nó
luôn luôn được ta hiện tại hóa.
Để kết thúc mấy trang quá khô khan trên đây, khô khan vì tính
chất kỹ thuật của triết Heidegger, chúng tôi muốn cùng bạn đọc
tìm hiểu phương diện “hiện sinh” của triết này qua ý niệm về sa
ngã (Verfallensein, l’être-déchu). Đây cũng là chỗ Heidegger cho
ta thấy con đường dẫn tới bản chất trung thực của con người.