ta mới thực sự bước sang giai đoạn sống như một nhân vị tự do
và tự đảm lấy định mệnh của mình.
Trong khuôn khổ tác phẩm nhỏ bé này, chúng tôi chỉ dừng lại
nơi vài phạm trù hiện sinh chính yếu thôi.
BUỒN NÔN. Danh từ buồn nôn tương đối là em út trong hàng
các danh từ hiện sinh dùng để chỉ vẻ vô lý và vô ý nghĩa của một
cuộc đời vô lý tưởng và vô ý thức. Nó là em út, nhưng nó chóng
chiếm địa vị ưu tiên: Nó được thông dụng hơn, đồng thời có hiệu
lực kích khởi hơn.
Buồn nôn là gì? Là trạng thái sinh hoạt lầm lì của thường nhật.
Nói rõ hơn: Buồn nôn là cảnh sống của những người chưa vươn
lên tới mức đích thực, còn cam sống như cây cỏ và động vật. Khi
tôi sực tỉnh giấc phóng thể, khi tôi ý thức về địa vị và thiên chức
làm người của tôi, tôi tự thấy nôn nao vì cuộc đời súc vật của tôi
trước đây: Tôi đã chỉ lo sống, lo ăn, lo mặc, lo cho mình đủ những
tiện nghi. Tóm lại, một số con người ta còn sống như những sinh
vật. Và sống như sinh vật là một buồn nôn cho triết gia hiện sinh
đã ý thức sâu xa về nhân vị con người.
Trong các triết gia hiện sinh, không ai tài tả về cái vẻ chán
ngán của cuộc đời vô vị đó bằng Sartre. Chính danh từ buồn nôn
do ông đưa ra và khai thác rất tài tình: “Thôi, tôi cứ làm như nàng
An-ny là xong: Tôi cứ sống thừa ra. Ăn, ngủ. Ăn, ngủ. Sống từ từ,
êm êm, như những cây kia và như vũng nước này, hoặc như cái
ghế bọc vải đỏ của toa xe lửa nọ”.
Ăn, ngủ. Ăn, ngủ. Sartre nhắc lại hai lần, nghe như nhịp đều
đều của cuộc sống máy móc của tất cả những ai chỉ sống để mà
sống. Sartre gọi sống như thế là “sống thừa ra” (se survivre).
Thừa ra, vì tôi không biết sống để mà làm chi cả. Sartre thường
gọi sống như vậy là hiện hữu như một sự vật. Đó là hiện hữu,