nhiều, còn Nietzsche thì là ghét và luôn luôn nguyền rủa Socrate.
Như vậy hai cây hiện sinh đã có những cội rễ khác nhau, nên
cũng có những ngành khác nhau.
Cây Kierkegaard bắt nguồn nơi những truyền thống Hy Lạp
(Socrate) và Thiên chúa giáo cho nên ngành hiện sinh do cây này
phát ra cũng tỏ ra trung thành với truyền thống, mặc dầu những
cải cách sâu xa do thuyết hiện sinh mang đến. Trái lại cây
Nietzsche bắt nguồn nơi những tư tưởng đi ngược chiều với
truyền thống Hy Lạp do Socrate, Platon và Aristote để lại cho ta
(Nietzsche cũng đề cao văn minh Hy Lạp, nhưng ông chỉ quý văn
minh Hy Lạp trước Socrate, tức những tư tưởng đầy rung cảm và
say sưa của những bản trường ca Homère (được tượng trưng
bằng đời sống mê ly và cuồng nhiệt của thần Dionysos). Hai kẻ
thù luôn luôn bị Nietzsche nguyền rủa là: Ki-tô giáo
(Christianisme), và tư tưởng duy thức của truyền thống Socrate
và Platon.
Thoáng nhìn qua, chúng ta đã thấy hai ngành hiện sinh hiện ra
rõ rệt: Ngành hữu với Kierkegaard sẽ có tính cách xây dựng, và
sẽ giữ vững niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa. Còn ngành tả sẽ tỏ
ra bạo tàn trong việc đả phá những truyền thống cố cựu, cả về
tôn giáo, cả về tư tưởng. Chính vì thế, triết của Nietzsche cũng
như những thuyết trực tiếp chịu ảnh hưởng ông, như triết Sartre,
sẽ chứa đựng rất nhiều phủ định tính (négativité), đến nỗi người
ta thường gọi những thuyết đó là hư vô chủ nghĩa (nihilisme).
Khác nhau như thế, tại sao lại gọi chung một tên là triết hiện
sinh? Thực ra, ngay về vấn đề tên gọi, hai ngành này cùng không
đồng ý nhau. Những đại diện đáng kể nhất hiện nay của ngành
hữu là ai? Thưa là Jaspers và Marcel. Vậy mà chúng ta biết
Jaspers không bao giờ ưng cho người ta gọi triết của ông là
thuyết hiện sinh (existentialisme); ông chỉ ưng chữ: Triết học về