với ông, hiện sinh bao giờ cũng có nghĩa là hiện sinh trước nhan
Thiên chúa: “Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi ở trước nhan Thiên
chúa; tôi càng cảm thấy mình ở trước nhan Thiên chúa thì tôi
càng “là tôi hơn”. Trái lại Nietzsche không những là con người
tuyên bố: “Thiên chúa chết rồi”, ông còn hô hào con người phải
giết chết Thiên chúa hòng tiến tới giai đoạn mà ông gọi là “thời kỳ
của con người siêu nhân” (suthomme). - Tuy nhiên, thái độ đối
lập này ngày nay càng hiện ra rõ hơn nơi những triết gia của mỗi
ngành: Jaspers và Marcel đại diện cho ngành hữu. Heidegger và
Sartre đại diện cho ngành tả. Thí dụ khi ta muốn đặt Jaspers lại
gần Heidegger, chúng ta hầu như chỉ nhận thấy những điểm khác
nhau. Và nếu ta sánh Marcel với Sartre, thì chúng ta lại càng thấy
hai triết gia khác nhau quá, đến nỗi ta khó tưởng họ có thể giống
nhau cái gì. Điều này bạn đọc sẽ có dịp nhận định khi chúng tôi
trình bày về tư tưởng của mỗi triết gia hiện sinh sau này.
Họ đối lập nhau ở những điểm nào?
Họ đối lập nhau ở những điểm căn bản của triết hiện sinh:
Con người và Thượng đế. Nói cách khác, họ chia rẽ nhau về hai
chiều hướng của con người hiện sinh, chiều ngang và chiều dọc.
Chiều ngang: Họ có công nhận sự thông cảm với tha nhân chăng.
Chiều dọc: Họ có công nhận và thông cảm với Thượng đế không.
Ngành hữu công nhận và đề cao sự thông hiệp với tha nhân, coi
liên chủ tính (intersubjectivité) là một cách thể hiện sinh toàn hảo
và thăng tiến con người; trái lại, ngành tả đề cao sự tranh đấu
chống lại tha nhân để khỏi bị tha nhân biến ta thành sở hữu của
họ, vì thế đại khái chủ trương của ngành tả đối với tha nhân là:
“Tha nhân là địa ngục cho tôi”. Về thái độ đối với siêu việt, hai
ngành cũng chia rẽ nhau. Ngành hữu coi Thượng đế là lời mời
gọi con người tiến lên, tiến mãi; hơn nữa, nếu không có Thiên
chúa, thì con người sẽ như bị đặt áp mặt vào bức tường thành,