tại thế bằng thân xác của ta; và ta chỉ có lịch sử tính nghĩa là ta
chỉ đảm nhiệm được toàn thể cuộc đời trước kia và hiện nay và
sau này của ta, vì ta có khả năng vươn lên khỏi cái hiện tại thiển
cận này để nhìn bao quát tất cả dĩ vãng và tương lai, cùng là nhìn
toàn thể những hiện tượng trong thế giới. Cái nhìn bao quát đặt
ta ra ngoài vũ trụ để nhìn về vũ trụ: Cái nhìn đó làm cho ta là chủ
thể, đồng thời biến tất cả khối hiện hữu không phải ta kia thành
đối tượng của cái nhìn đó. Người ta gọi cái nhìn bao quát đó là vũ
trụ quan (cái nhìn của ta về vũ trụ). Do cái nhìn này, mỗi người
chúng ta gán cho mỗi sự vật một giá trị nhất định: Nên cái nhìn
của người duy vật sẽ đề cao những sự vật vật chất, và cái nhìn
của người duy linh sẽ đề cao những giá trị tinh thần.
Như vậy mỗi người chúng ta đều có một vũ trụ quan, rõ ràng
hay lờ mờ, khoa học hay thường nghiệm, có hệ thống hay lỏng
lẻo. Dầu sao, nói ra hay không nói ra, có ý thức hay vô ý thức,
nhất định chúng ta ai cũng có một vũ trụ quan, và chỉ có thể có
một mà thôi. Sự kiện này đặt ra hai vấn đề gay go: Thứ nhất, khi
tôi là chủ thể, thì chỉ mình tôi có quyền nhìn và đánh giá vạn vật;
hai là, nếu tôi công nhận tha nhân là chủ thể, tức là tôi tự rút lui
xuống làm sự vật cho anh ta nhìn và đánh giá. Đó là tất cả vấn đề
liên chủ tính. Và bây giờ chúng ta mới thấy như Wahl rằng vấn đề
đó là cái gai cho triết hiện sinh.
Đối với vấn đề này, hai ông tổ hiện sinh không lưu tâm nhiều
mấy. Kierkegaard thì quá chú trọng đến tính chất độc đáo của con
người, ít để ý nghiên cứu tương quan giữa người và người. Hơn
nữa Kierkegaard quá đề cao sự quan trọng của cái ông gọi là “ở
trước nhan Thiên chúa” và ở một mình với một mình Thiên chúa,
nên nhiều khi ông coi sự có mặt của người chen vào giữa ông và
Thiên chúa là điều bất lợi cho hiện sinh trung thực của ông.
Nietzsche, chúng ta ai cũng biết thái độ của ông đối với sự thực