của ái tình. Chúng ta coi ái tình là niềm thông cảm chân thành và
toàn hảo nhất giữa hai con người, vậy mà, đối với Nietzsche,
không thể có ái tình chân thực. Tại sao thế? Tại vì đàn ông và
đàn bà, mỗi bên có một quan niệm khác hẳn nhau về ái tình.
Chẳng hạn những câu này của ông: “Tất cả bí mật của người đàn
bà là: Sinh đẻ. Đối với họ, đàn ông chỉ là phương tiện, còn chủ
đích là: Đứa con. Còn người đàn ông thì yêu thích hai món: Chơi
đùa và nguy hiểm; vì thế đàn ông yêu đàn bà vì đàn bà là đồ chơi
nguy hiểm nhất trong đời”.
Hai ông tổ ít bàn tới liên chủ tính, nhưng các triết gia hiện sinh
ngày nay lại coi đó là đề tài quan trọng vào bậc nhất. Chỉ có con
người là hiện sinh, sự vật và động vật chỉ hiện hữu mà thôi;
nhưng tương quan giữa những con người thế nào? Tôi có thể
công nhận cho anh Giáp, anh Ất cùng làm chủ thể với tôi được
không? Hơn nữa, trong mỗi thông điệp vô cùng chặt chẽ là ái
tình, hai người có thể đồng thời là chủ thể cả không? Bốn triết gia
hiện sinh đại diện cho phong trào hiện nay đã trả lời vấn đề này
thế nào? Bốn câu trả lời có thể xếp từ trái sang phải như sau:
Sartre, Heidegger, Jaspers, Marcel. Sartre hoàn toàn phủ nhận
liên chủ tính, nghĩa là hai người yêu nhau cũng không thể coi
nhau là những chủ thể, trong hai người nhất định chỉ có một
người là chủ thể, còn người kia là đối tượng. Heidegger, không
quá khích như Sartre, và tuy ông thường nói đến “đồng hữu”
(mitsein) nhưng lại chủ trương rằng bản tính của ái tình là tranh
thủ giữa hai người. Đến Jaspers, chúng ta mới thực sự tìm thấy
một liên chủ tính đích thực, ở đó ái tình thực là thông cảm giữa
hai người. Và sau cùng, Marcel là triết gia đã có những ý nghĩ
tươi sáng và chân thành nhất về liên chủ tính.
Chúng tôi lược qua tư tưởng của Sartre và của Marcel để bạn
đọc nhìn thấy hai chủ trương khác nhau chừng nào.