không sao tiến thêm lên được nữa. Trái lại, ngành tả chủ trương
phải gạt bỏ Thượng đế ra ngoài cuộc sống của con người, vì tôi
tin vào Thượng đế là còn bị hạn chế, bị một Vị khác thưởng phạt
mình; tóm lại, ngành tả cho rằng: Hễ còn tin vào Thượng đế, con
người chưa hoàn toàn tự do, nên ngành này nhất thiết phủ nhận
Thượng đế.
Đó là mấy nét chính về hướng dẫn chúng ta trong việc tìm
hiểu chủ trương của mỗi ngành hiện sinh về hai đề tài căn bản
của triết hiện sinh, tức vấn đề liên chủ tính và vấn đề siêu việt
tính.
LIÊN CHỦ TÍNH. Liên chủ tính (intersubjectivité) là sự tôi công
nhận tha nhân là chủ thể như tôi, và trong khi đó tha nhân cũng
công nhận tôi là một chủ thể. Nói cách khác, chủ thể tính làm cho
anh và tôi, chúng ta không coi nhau như những đối tượng hoàn
toàn thụ động như khi chúng ta nhìn quyển sách hay cái nhà; khi
tôi nhìn anh, thì tôi biết anh nhìn tôi, và như vậy chúng ta đồng
thời là chủ thể cả hai.
Thoạt nghe, chúng ta tưởng liên chủ tính là cái chi đơn sơ
lắm: Ai chả nhận sự hiện diện của tha nhân? Ai chả biết cái người
đang đứng nói chuyện với tôi đây là một chủ thể? Nhưng nếu đi
sâu vào ý nghĩa triết học của chữ chủ thể; chúng ta mới thấy liên
chủ tính là một vấn đề gay go của triết hiện sinh. J.Wahl đã gọi
liên chủ tính là “điều nghịch lý căn bản nhất của triết hiện sinh”.
Chúng tôi xin trình bày đầu đuôi như sau.
Hiện sinh không phải là sinh tồn, hiện sinh không phải là sống
như cây cỏ và động vật. Hiện sinh là ý thức sâu xa về ý nghĩa
cuộc sống của mình, đảm nhận lấy số mệnh của mình và lịch sử
tư biệt của mình. Cho nên Heidegger đã có lý để nói rằng hiện
sinh vừa là tại thế (être-au-monde) vừa là xuất thế (ek-sister): Ta