cưới những cô bé Lọ lem. Nhưng chỉ sau vài năm, thì nàng tiên
mà Don Juan theo đuổi kia đã trở thành “bà Bang bán bánh bèo”
ở góc chợ? Tình trạng này dần dần gieo chán nản vào lòng Don
Juan. Chán nản và nhọc mệt. Trong lúc chán nản như thế,
Kierkegaard đã viết câu ngạo mạn sau đây, có ý nhại lại câu
Thánh kinh “Tự nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (Jean I, I):
“Tự nguyên thủy đã có buồn chán (au commencement était
l’ennui). Vì buồn chán, chư thần đã sáng tạo nên con người. Rồi
A-đam, nguyên tổ chúng ta cũng buồn chán vì cô đơn, cho nên
bà E-va được tác tạo. Rồi từ đó, cùng với sự phát triển của loài
người, buồn chán cũng phát triển và lan tràn khắp thế giới. A-đam
một mình đã buồn chán. Khi A-đam ở với E-va, thì hai mình cũng
buồn chán: Khi có thêm hai con là Ca-in và A-ben, thì cả gia đình
cùng buồn chán, và khi có cả một loài người đông đúc, thì cả lũ
người cũng buồn chán.
Không những buồn chán, chàng si tình còn đau khổ nữa. Đây
là một yếu tố hoàn toàn mới: Trước đây Don Juan chỉ biết say
sưa đi tìm hoa. Khi đó anh chàng như mất trí, chưa hồi tỉnh về
hành động của mình. Họa may anh có suy nghĩ, thì chỉ là suy
nghĩ cách nào hiệu nghiệm để đạt được cô nọ cô kia. Anh chưa
nghĩ gì về anh hết. Nay sau nhiều ngày buồn chán anh ngồi nghĩ
lại: Anh thấy khổ tâm. Trước hết anh thấy những đau khổ của
người mà anh đã “yêu một cách ích kỷ: Ái tình nông nổi đã gây
bao đổ vỡ trên những cuộc đời xuân kia. Don Juan (chính là
Kierkegaard trong giai đoạn này) bấy giờ mới nhận ra tội ác của
mình: Bao nhiêu thắng lợi trước kia của chàng là bấy nhiêu chết
chóc của những người mà chàng bảo là chàng yêu. “Những ái
tình dở dang đó là những thiên tình sử đau đớn nhất trong đời.
Và cũng là những nỗi đoạn trường thấm thía và độc ác nhất”.