Kết cục, vì không đưa nàng lên mức sống tôn giáo sâu xa như
chàng được, Kierkegaard đành tìm cách đoạn tuyệt với nàng.
Đọc lại những trang nhật ký của kỳ này, người ta thấy
Kierkegaard ruột đau như cắt, vì chàng yêu nàng vô cùng mà lại
phải làm bộ lạnh lùng và độc ác với nàng. Sau này khi Régine trở
về với người tình địch của Kierkegaard là Schlegel và cưới
Schlegel rồi, Kierkegaard vẫn một niềm yêu và nhớ nàng. Hình
ảnh nàng hiện ra ở mỗi trang của những sách mà chàng viết sau
này cho đến khi chàng chết năm 1855. Nhìn vào tính chất của giai
đoạn đạo hạnh (stade éthique), chúng ta thấy có một sự vượt bậc
đối với giai đoạn hiếu mỹ: Tôn chỉ sinh hoạt của người hiếu mỹ là
phiêu đãng, còn tôn chỉ của người đạo hạnh là trung tín. Chủ đích
của người hiếu mỹ là khoái lạc, và chủ đích người đạo hạnh là
nhiệm vụ. Người hiếu mỹ là người sống qua ngày, còn người đạo
hạnh thì sống cho một tình yêu vĩnh cửu “Tình yêu của đôi vợ
chồng là tình yêu xây trên cảm giác, những tình yêu này trở nên
cao trọng vì lời thề sắt son, hai người sẽ yêu nhau mãi mãi, muôn
đời. Chính tính chất vĩnh cửu này phân biệt tình yêu chính thực
và sự đam mê nhục dục”.
Kierkegaard đã để lại những trang sách hùng hồn và cảm
động về tình yêu của đôi vợ chồng. Ông chống lại những kẻ coi
gia đạo là mồ chôn ái tình: Những câu trả lời của ông thực là
chân thành và quyết liệt. Theo ông thì tình yêu của đôi vợ chồng
mới đáng gọi là tình yêu và tình yêu là bản chất của đời vợ
chồng: “Tình yêu là yếu tố cốt tử của cuộc hôn nhân. Những hôn
thú và tình yêu, cái nào sinh ra cái nào?... Hôn thú không phát
sinh ái tình, nhưng giả thiết là đã có ái tình rồi. Tuy nhiên tình yêu
đó không phải là đã qua, nhưng còn mãi ngày nay và sau này.
Rồi đời sống gia đạo mang đến cho hai người một yếu tố mới,
yếu tố không có trong tình yêu: Đó là yếu tố đạo hạnh và tôn giáo.