TRIẾT HỌC HIỆN SINH - Trang 80

hành động như thế”. Hạng người duy lý kỳ khôi đây là ai?
Kierkegaard gọi rõ tên họ là Hégel và đồ đệ: “Hégel là người
muốn lấy lý luận để giải nghĩa tất cả mọi sự, nên ông ta chỉ là một
cụ đồ theo nghĩa không hay mà thôi”. Như vậy, ý thức về tội lỗi là
một kinh nghiệm bản thân: Ai muốn lấy khoa học hay triết học để
giải nghĩa là làm một việc thậm phi lý. Tội lỗi không thuộc lãnh
vực tri thức, nhưng thuộc lãnh vực hiện sinh. - Tội lỗi làm cho con
người có tương quan với tuyệt đối Lòng tin yêu của người tôn
giáo càng làm cho con người đối diện với Thiên chúa một cách
đích thực hơn nữa. Tin và Yêu: Hai đề tài chủ chốt cuốn Crainte
et tremblement (Kinh hãi và run sợ). Trong đoạn sau chúng tôi sẽ
toát lược những nét chính của cuốn sách đó, vừa để trình bày
những nét đặc sắc của đời tôn giáo mà chúng tôi mới chỉ vừa gợi
ý trên đây, vừa để cùng nhau đi sâu vào một tác phẩm của
Kierkegaard.

Qua mấy trang trên đây, chúng ta thấy rằng Kierkegaard đã

khai mạc một thứ triết lý mới. Đọc ông chúng ta không còn cảm
thấy mình bị lạc lõng trong cõi luân lý hình thức của triết Kant hay
triết Hégel nữa, nhưng chúng ta luôn luôn được chứng kiến một
tâm hồn vật lộn với mình để vượt qua “những chặng đường đời”.
Triết Kierkegaard là triết về đời sống, và là triết để mà sống cho ra
người. Không phải chỉ triết lý suông và bàn luận về những vấn đề
trừu tượng xa xôi, nhưng triết Kierkegaard đã đem con người về
với cuộc đời và bản thân mình. Tư tưởng của Kierkegaard là một
nền triết học thực thụ vì nó là một suy tưởng sâu xa về cuộc đời.
Vì thế nó mang tên là triết học hiện sinh, triết học về cuộc đời con
người. Triết Kierkegaard chấm dứt thời kỳ toàn thịnh của triết duy
niệm Hégel.

II. SINH HOẠT TÔN GIÁO CAO NHẤT

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.