Bây giờ chúng ta thử đi sâu vào tư tưởng Kierkegaard bằng
cách phân tích một tác phẩm của ông: Cuốn Crainte et
tremblement (Kinh hãi và run sợ). Cuốn này tuy chỉ là một trong
những cuốn sách nhỏ nhất về lượng của ông, nhưng lại được
Kierkegaard coi là cuốn hay nhất và có giá trị nhất. Theo ông,
nguyên một cuốn này cũng đủ ghi danh ông muôn thuở.
Như Wahl đã nêu lên ngay nơi câu thứ nhất của bài nhập đề
vấn đề then chốt của cuốn Kinh hãi và run sợ là tìm ra “tương
quan giữa thực tại và con người nhân vị”. Nói cách khác, đề tài
của cuốn sách là biện minh cho tính chất độc đáo của con người:
Con người chỉ xứng danh con người khi nó vãn hồi được nhân vị
của mình; vậy mà chúng ta chỉ vãn hồi nhân vị của chúng ta khi
chúng ta tự mình “dám tiếp xúc với thực tại cao cả nhất là
Thượng đế”. Theo hoàn cảnh Việt Nam, chúng ta có thể nói rằng:
Con người chỉ vãn hồi nhân vị khi không chịu để cho ông vua thay
mặt toàn dân tế thiên ở đàn Nam Giao nữa, nhưng mỗi người tự
mình bước tới trước nhan Thượng đế. Con người nhân vị là con
người nghĩ rằng mình là con Thượng đế và mình có quyền trực
tiếp thưa hỏi với Ngài. Chính nhờ đức tin (lòng tin tưởng vô biên
của con người đối với Thượng đế) con người thấy mình được
nâng lên trên những ràng buộc thông thường của tục lệ xã hội:
Trên những luật pháp của xã hội dựa trên lý trí, còn có một luật
pháp cao cả hơn và thần thánh hơn, hoàn toàn dựa trên thánh ý
nhiệm mầu của Thượng đế. Thánh ý đó được bày tỏ trong tôn
giáo (đối với Kierkegaard thì tôn giáo đó là Ki-tô giáo, tức Cơ-đốc
giáo).
Tóm lại, tôn giáo là chỗ giải thoát con người khỏi những cái
thiển cận và tầm thường của luân lý duy nhiên; chính tôn giáo và
nền luân lý tôn giáo sẽ mở con đường siêu việt để dẫn con người
đến chỗ tiếp xúc thân mật với Thượng đế “Nhờ đức Tin, con