tin rằng mặc dầu ông giết con độc nhất của ông và mặc dầu ông
đã trăm tuổi, ông vẫn sẽ là tổ phụ của một dân tộc đông đúc. Điều
phi lý là A-bra-ham tin chắc rằng Thiên chúa sẽ trả lại cho ông
ngay ở cõi đời này. Cho nên Kierkegaard mới thán phục A-bra-
ham vì ngài đã tin tưởng vô cùng: “Tôi nghiêng mình bảy lần
trước quý danh ngài, và tôi nghiêng mình bảy mươi bảy lần trước
hành động đó của ngài”. Trên đây Kierkegaard nhấn mạnh vào
chỗ khác nhau giữa một anh hùng nhân đạo và người mà ông gọi
là người hiệp sĩ của đức tin (le chevalier de la foi): Người anh
hùng kiểu Hy Lạp có thể hy sinh con của mình, nhưng khi đó họ
hy sinh vì một mục đích luân lý (chẳng hạn vì ích quốc lợi dân):
Lịch sử Hy Lạp còn ghi danh vua A-ga-men-nôn (Agamemnon) đã
hy sinh con gái mình là nàng I-phi-dê-ni (Iphigénie) để làm nguôi
cơn giận của nữ thần Đi-an (Diane), hòng mang lại thái bình cho
quốc dân. Lịch sử La Mã cũng ca tụng nhà anh hùng Bruytuyt
(Brutus) không ngần ngại ra lệnh giết những đứa con làm loạn để
vãn hồi trật tự trong dân gian. Rồi Thánh kinh cũng để lại truyện
tướng Giep-tê (Jephté) đã nhận hy sinh người nào ông gặp trước
hết khi vừa chiến thắng và trở về nhà: Không may chính con gái
ông ra đón ông trước hết; không thể lỗi lời khấn với Trời, ông chịu
để nàng than thân trách phận hai tháng, rồi ông hy sinh con.
Kierkegaard nhắc lại tất cả ba tích đó, rồi ông giải nghĩa sự khác
nhau: “Người anh hùng của bi kịch còn đứng trong phạm vi luân
lý... A-bra-ham thì khác hẳn. Cụ không hành động để cứu vãn
một dân tộc, hoặc để làm nguôi vị thần hung tợn nào hết. Việc cụ
làm là việc hoàn toàn tư riêng của cụ”. Nghĩa là việc làm của A-
bra-ham là việc riêng giữa ông và Thiên chúa; hơn nữa, việc đó
vượt tất cả mọi dự tính của luân lý, vì luân lý có thể truyền người
ta giết con để cứu quốc, nhưng luân lý nào có thể dạy giết con để