trung thành với Thượng đế, nhất là giết con để trông hòng lại
nhận được người con đó?
Trên đây ta đã thấy “người hiệp sĩ của đức tin” đạt tới mức
“nhẫn nại vô cùng”. Nhẫn nại vô cùng, vì người ấy đã vì Thiên
chúa mà hiến dâng tất cả, hiến dâng tất cả những gì quý báu nhất
đời họ. A-bra-ham đã quyết định hy sinh con trai yêu quí và độc
nhất của mình, hy vọng duy nhất của mình trong tuổi già. Nhưng
đó mới chỉ là chuyển động thứ nhất. Bây giờ chúng ta xem sang
chuyển động thứ hai.
Chuyển động thứ hai: Tin tưởng vào sự vãn hồi. Theo
Kierkegaard thì chuyển động thứ hai này mới chính là vẻ đặc sắc
của đức tin: “Bằng nhẫn nại, tôi từ bỏ tất cả; đó là chuyển động
tôi có thể làm được nhờ sức của tôi... Còn khi tin Chúa, tôi không
từ bỏ chi hết, trái lại tôi nhận được tất cả. Cho nên nhờ đức tin, A-
bra-ham không từ bỏ I-dắc, nhưng đã chiếm lại được I-dắc”. Nếu
chúng ta biết Kierkegaard đã viết cuốn sách này với tâm hồn thế
nào, nếu ta nhớ ông viết sau khi đã đoạn tuyệt với nàng Régine
nhưng vẫn trung thành và yêu nàng mãi mãi, thì chúng ta mới
hiểu ngụ ý Kierkegaard có ý sánh mình với A-bra-ham, và cũng
như A-bra-ham đã chiếm lại được I-dắc, Kierkegaard cũng tin
tưởng sẽ chiếm lại được Régine trong mối tình cao khiết hơn:
“Tôi có thể từ bỏ nàng. Tôi có thể hoàn toàn từ bỏ ái tình. Nhưng
tự sức tôi không thể chiếm lại được nàng. Người hiệp sĩ của đức
tin bảo tôi: “Dùng đức tin thì anh sẽ chiếm lại được nàng”: Hại
thay! Tôi không thể tự mình thể hiện chuyển động thứ hai này, tức
chuyển động của đức tin. Tôi có thể bơi lội trong đời sống, nhưng
xác tôi nặng quá không thể bay lên cõi huyền bí kia được!”. Câu
này chỉ có nghĩa: Con người như Kierkegaard có thể thực hiện
cái phần mà ông gọi là nhẫn nại vô cùng, còn phần kia, tức phần
vãn hồi thì con người không thể làm nổi. Vậy xin hỏi: Cái chi giúp