Trở lại vấn đề niệm tưởng trong triết học Kant, ta thấy ông phân biệt
niệm tưởng và hình ảnh: hình ảnh là một cái gì thường nghiệm và xác định,
còn niệm tưởng thì siêu nghiệm và có tính chất tổng quát. Thí dụ số 5 là
một hình ảnh mà tôi có khi tôi chấm 5 chấm tiếp liền nhau, còn như khi tôi
nghĩ “con số'’ thôi, thì số đó có thể là bất cứ số nào (nhưng là loại con số
chứ không là loại con vật như con bò con trâu). Rồi “con chó” cũng là một
niệm tưởng, vì nó là một mô thức tổng quát, có thể mang áp dụng cho con
Vện, con Lu hay bất cứ con chó nào về loại chó. Vậy “niệm tưởng là
phương sách tổng quát của trí tưởng tượng có nhiệm vụ kiếm cho quan
niệm một hình ảnh”
Kiếm cho quan niệm thuần túy một hình ảnh khả giác: đó là ý nghĩa và
chức vụ của niệm tưởng. Nó là chiếc cầu đặt đường cho quan niệm thuần
túy bước sang lãnh vực thường nghiệm. Thiếu niệm tưởng tương ứng, quan
niệm sẽ chỉ là quan niệm suông, không cho ta một biểu tượng nào về một
đối tượng khả tri. Cho nên: “Những phạm trù không có niệm tưởng thì chỉ
là những hành vi của trí năng liên quan đến các quan niệm thôi, chứ những
phạm trù như thế không biểu tượng một đối tượng nào hết”
Do đâu mà có niệm tưởng ? Chúng phát xuất từ nguồn gốc nào? Chúng
phát xuất từ trí tưởng tượng siêu nghiệm. Chúng là sản phẩm của trí tưởng
tượng thuần túy: “Hình ảnh là sản phẩm của trí tưởng tượng tác tạo thường
nghiệm, còn niệm tưởng là sản phẩm của trí tưởng tượng thuần túy tiên
thiên ^[Sd, tr. 153. Cũng nên biết Kant phân biệt hai loại trí tưởng tượng:
trí tưởng tượng tác tạo (imagination productrice) và trí tưởng tượng tái tạo
(imagination reproductrice). Mỗi loại lại chia làm siêu nghiệm và thường
nghiệm. Trí tưởng tượng tác tạo siêu nghiệm là điều kiện và nguồn phát
sinh ra những hành vi của trí tưởng tượng tác tạo thường nghiệm. Và trí
tưởng tượng tái tạo siêu nghiệm là điều kiện và nguồn phát sinh những hành
vi của trí tưởng tượng tái tạo thường nghiệm. Khi ta tưởng tượng ra bất cứ
hình ảnh gì, thì đó là một hình ảnh cụ thể do trí tưởng tượng thường nghiệm
tạo nên. Nhưng sở dĩ ta tưởng tượng được như thế là vì ta có khả năng để
tưởng tượng: khả năng thuần túy này, chính là trí tưởng tượng siêu nghiệm.