được tìm hiểu trong quyển sách này. Do đó, nhân dịp tái bản quyển “Triết
học Kant” của Thầy Trần Thái Đỉnh, được Nhà xuất bản gợi ý và được
Thầy rộng lòng cho phép, tôi muốn nhân cơ hội quý báu này để trước hết,
bày tỏ lòng biết ơn Thầy của một người học trò cũ và, sau đây, xin kính cẩn
góp vài suy nghĩ “nối điêu”.
II.
Trình bày triết học của một tác giả lớn với tầm cỡ như của Kant bằng vài
trăm trang sách là thách thức gian nan đối với bất kỳ nhà nghiên cứu nào.
Ngoài ra, việc làm ấy còn phụ thuộc vào mục đích của công trình nữa: để
phổ cập rộng rãi hay để phục vụ cho công việc giảng dạy và học tập chuyên
ngành. Rồi còn phải lựa chọn trọng tâm hay kết hợp đến mức độ nào cả hai
yêu cầu: tìm hiểu bản thân tác giả như là một trình bày về lịch sử phát triển
tư tưởng hoặc tìm hiểu tác động và ảnh hưởng của tác giả ấy đối với hậu thế
và trên nhiều lãnh vực. Đọc (và được đọc lại) “Triết học Kant” của Giáo sư
Trần Thái Đỉnh, ta thấy ông chọn lựa một cách làm phù hợp với yêu cầu
bức thiết lúc bấy giờ: giúp người học đi thẳng vào ba tác phẩm chính của
Kant, tìm hiểu kỹ lưỡng chúng, để từ đó có cơ sở cho việc tự mình tiếp tục
đi sâu nghiên cứu. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, có lẽ đó là phương châm
biên soạn của Giáo sư để giúp người học có được những kiến thức cơ bản,
chính xác, chặt chẽ trước đã, vì thế, Giáo sư không mở quá rộng vấn đề mà
tập trung cho thấy trình độ phản tư cao, tính khái niệm tinh tế và tính mạch
lạc trong lập luận của Kant. Giáo sư cũng rất thận trọng và cân nhắc trong
việc đưa ra những nhận định riêng, vì hình như soạn giả muốn khuyến
khích người đọc tự mình làm lấy việc ấy; và ở đôi chỗ quan trọng cần đưa
ra nhận xét, Giáo sư chọn cách làm “sòng phẳng”, “nghĩa tình” trong học
thuật: khi tác giả không còn có mặt để tự lên tiếng, các lý giải và nhận xét
của ta, nói chung, nên linh động và “có lợi” cho tác giả.
Có lẽ nhờ cách biên soạn ấy mà “Triết học Kant”, sau hơn 30 năm, vẫn
còn giữ nguyên giá trị như một trong số rất hiếm hoi các công trình tiên
phong và rất bổ ích về lãnh vực này. 30 năm với biết bao “nước chảy qua
cầu”, dù nói riêng trong việc nghiên cứu (không bao giờ kết thúc!) về Kant