ta sẽ chữa mình, muốn lẩn trốn trách nhiệm, lấy lẽ rằng những hành vi kia
bắt ta hy sinh nhiều quá. Thế rồi ta cho rằng mình không có thể... Thử hỏi ta
có lý luận như vậy đối với người khác không hay trái lại ta nghĩ rằng họ có
bổn phận thì nhất định họ phải làm. Bởi vậy Kant viết: “Người ta quyết
rằng mình có thể làm một việc, bởi vì người ta ý thức rằng mình có bổn
phận phải làm việc đó: cũng nhân đó con người nhận thấy mình có tự do
thực, vì nếu không có quy luật đạo đức thì có lẽ con người sẽ không biết
mình tự do”
. Các học giả thường diễn tả tư tưởng này của Kant một
cách gọn hơn bằng câu: “Anh có thể làm vì anh phải làm” (Tu peux car tu
dois). Khi ta lấy lý trí để nhận rằng ai cũng phải làm như vậy vì quy luật
đạo đức truyền như thế, thì chắc con người ta ai cũng buộc mình làm.
Bây giờ chúng ta phải tìm hiểu câu thứ hai, liên hệ mật thiết với câu
“không có đạo đức sẽ không có tự do” mà chúng ta vừa xem xong, câu thứ
hai là: “Không có tự do sẽ không có đạo đức". Tuy câu này đã được chứng
minh một cách tiệm nhiên bằng tất cả những gì chúng ta đã nghiên cứu về
sự khác biệt giữa lãnh vực tất định của thường nghiệm và lãnh vực tự do
của lý trí thuần túy thực hành, như Kant vẫn còn dành cho vấn đề này
những suy nghĩ thêm. Không thiếu những người chỉ tin vào giác quan. Và
cũng không thiếu triết gia như A. Comte nghĩ rằng sinh hoạt đạo đức của
con người phải được điều hành bằng những định luật chặt chẽ như các định
luật của khoa học thực nghiệm. Họ tỏ ra còn quá xa với lãnh vực tinh thần
và sinh hoạt tự do: họ muốn cái gì cũng phải được xác định rõ ràng như hai
với hai là bốn, và họ chỉ tin vào thực nghiệm. Đối với Kant, chặt chẽ là điển
hình của toán học, và thực nghiệm là điển hình của vật lý học. Sinh hoạt
con người không có gì giống với hai phương thức đó. Bản chất của sinh
hoạt đạo đức phải là một sinh hoạt tự do mà tự do là không bị chi phối bởi
dư luận hoặc gương sáng của người khác. Tự do có nghĩa là khi quyết định,
tôi chỉ nhìn vào hình thức tuyệt đối của quy luật đạo đức, chỉ nhìn vào lý trí
thôi. Hơn nữa tự do bao giờ cũng có nghĩa là một bắt đầu tự mình, một tự
quyết, một điều phải làm (tức chưa làm, chưa có). Nhân đó, quy luật đạo