hành động tới. Xử sự với con người như xử sự với những cứu cánh có nghĩa
là coi con người như một tuyệt đối đích thực, tôi không có quyền coi tha
nhân như cái gì chiếm đoạt được hoặc như những sự vật, hoặc dùng tha
nhân vào một mục tiêu nào, nhưng tha nhân là những tuyệt đối mà tôi
không được hành động tới. Con người là một cứu cánh mà tôi chỉ có một
việc là trọng kính. Đúng hơn, đó không phải là một cứu cánh của ý chí cho
bằng đó là một cứu cánh đối với ý chí: một cứu cánh đặt trước mặt ý chí”
. c) “Như vậy ý chí không quy phục quy luật đạo đức một cách đơn
giản, nhưng quy phục một cách như người làm luật: chỉ trong ý đó, ý chí
mới được coi là quy phục cái quy luật mà chính nó tự coi là tác giả
Với nguyên tắc trên đây, chúng ta đã tới chỗ chót đỉnh về quan niệm tự
trị của học thuyết Kant. Hai nguyên tắc trên kia đã dọn đường và thực sự
quy hướng về nguyên tắc tự trị này để thiết lập nó trên những nền tảng vững
chắc. Chúng ta bắt đầu từ chỗ nhận định rằng con người sinh hoạt như một
cứu cánh tự thân (nguyên tắc a), rồi chúng ta nhận ra nguyên tắc liên hệ
buộc ta phải hành động đối với nhân tính của ta cũng như của tha nhân như
đối với những cứu cánh tự thân, chứ đừng chỉ như đối với những phương
tiện (nguyên tắc b), và nay ta đạt tới nguyên tắc sau cùng: sở dĩ ta hành
động đúng theo quy luật đạo đức phổ quát, vì ý chí nơi mỗi người chúng ta
là một “ý chí làm luật phổ quát”.
Sao Kant lại viết “ý chí ta không quy phục quy luật đạo đức một cách
đơn giản, nhưng một cách như người làm luật”? Thực ra, đây chúng ta đứng
vào chỗ phải lựa chọn của con người: một là chọn quyết định theo những
mục tiêu ở ngoài mình, và thế là chạy theo quyền lợi và hạnh phúc, và tất
nhiên không còn coi hành động của mình như hành động của một cứu cánh
tự thân nữa. Nhưng khi quyết định của ta là quyết định của những cứu cánh
tự thân, thì làm sao những quyết định này có giá trị như là những mệnh lệnh
được? Nếu tôi biết quyết như thế là hợp lý và theo đạo đức, nhưng nghĩ là
một chuyện và thi hành lại là một chuyện khác. Cái gì có khả năng cưỡng
bách tôi thi hành? Thưa tính chất phổ quát của quy luật, vì phổ quát có
nghĩa là ai cũng phải làm như thế mới đáng gọi là người. Hơn nữa, cái sức